Hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa
Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 11/03/2022
Chị Nguyễn Thị Nga, chủ một cửa hàng kinh doanh trái cây trên đường Lê Quang Sung (phường 6, quận 6) cho biết, trong thời gian thành phố Hồ Chí Minh giãn cách xã hội để chống dịch, cửa hàng của chị đã chuyển qua kinh doanh trực tuyến. Do đơn hàng tăng cao cùng với yêu cầu vận chuyển gấp rút nên cửa hàng đã chọn bao bì ni lông để thuận tiện cho việc giao nhận. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đơn vị, cửa hàng khác khi kênh mua hàng trực tuyến lên ngôi như hiện nay.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày thành phố có khoảng 9.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh, được thu gom xử lý. Trong đó, thành phần chất thải có giá trị, có thể tái chế chiếm khoảng 20-25% (bao bì nhựa, giấy, kim loại…). Hiện một phần chất thải nhựa có giá trị cao được người dân phân loại bán phế liệu, một phần tiếp tục được phân loại và tái chế tại các nhà máy xử lý tập trung của thành phố, phần còn lại (chủ yếu là bao bì nhựa màng mỏng ít có giá trị) được thu gom xử lý cùng các loại chất thải rắn sinh hoạt khác. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, việc thu hồi và tái chế bao bì nhựa chưa hiệu quả cùng với tình trạng thải bỏ bừa bãi rác thải nhựa vẫn còn diễn ra là những vấn đề cần giải quyết trong công tác quản lý môi trường của thành phố.
Để tăng cường quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa, thành phố Hồ Chí Minh đã và đang triển khai nhiều kế hoạch nhằm kiểm soát ô nhiễm do chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy với các chỉ tiêu cụ thể. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu 100% hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn sẽ sử dụng các loại bao bì thân thiện môi trường phục vụ cho mục đích sinh hoạt để thay thế túi ni lông khó phân hủy. Đồng thời, tiểu thương tại các chợ dân sinh sẽ giảm 50% sử dụng bao bì ni lông khó phân hủy trong việc đóng gói sản phẩm cho người tiêu dùng.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ rà soát, đánh giá hiện trạng các nguồn thải nhựa phát sinh, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, hiệu quả trong việc quản lý, giảm thiểu chất thải nhựa. Thành phố cũng sẽ tiếp tục vận động, đôn đốc các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ dân sinh… phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà thành phố đưa ra.
Về phía doanh nghiệp, Liên hiệp Hợp tác xã thương mại thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng thay thế 100% túi ni lông khó phân hủy bằng túi ni lông thân thiện với môi trường. Cụ thể, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi của Saigon Co.op thay thế màng nhựa bọc thực phẩm bằng lá chuối, dây lạt, sử dụng túi giấy để đựng thực phẩm.
Không những vậy, hiện 100% cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành phố không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị như không sử dụng nước uống đóng chai mà chuyển sang sử dụng các bình nước thể tích lớn, chai thủy tinh hoặc tự đun nấu, không sử dụng ly nhựa, ống hút nhựa...
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu 80% chất thải rắn sinh hoạt sẽ được xử lý theo hướng tái chế, tái sử dụng và tái sinh năng lượng. Do đó, thành phố sẽ tích cực tìm kiếm, phối hợp với các tổ chức, đơn vị quan tâm đến lĩnh vực thu gom, tái chế chất thải nhựa để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả tái chế. Từ đó, từng bước hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa và sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm vệ sinh môi trường, vứt bỏ chất thải, chất thải nhựa bừa bãi ở nơi công cộng theo quy định...