Thành phố Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp trợ giúp sinh viên

Giáo dục - Ngày đăng : 07:10, 11/03/2022

(HNM) - Nhiều trường đại học, cả công lập và tư thục, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đã công bố đề án tuyển sinh cùng với mức học phí dự kiến trong năm học 2022-2023. Theo đó, học phí nhiều ngành tiếp tục tăng, tuy nhiên nhiều trường đã triển khai một số giải pháp trợ giúp hiệu quả để sinh viên vẫn có thể theo học.

Sinh viên Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh trong giờ thực hành công nghệ thông tin.

Nhiều trường tăng học phí

Trong đề án tuyển sinh năm học 2022-2023, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông báo mức học phí của các ngành An toàn thông tin; Công nghệ dệt, may; Công nghệ thông tin... tăng 5% so với mức 11 triệu đồng/năm học 2021-2022. Còn với Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, học phí năm học 2022-2023 tăng từ 500 nghìn đồng đến 5,75 triệu đồng (năm học trước, học phí trung  bình của trường là 18 triệu đồng/năm học/sinh viên). Riêng môn ngôn ngữ Anh, học phí ở mức 36 triệu đồng/năm học.

Học phí của các trường đại học tư thục tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm học 2022-2023 cũng dự kiến tăng. Đơn cử, tại Trường Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, học phí phổ biến ở mức 36-40 triệu đồng/năm học; riêng ngành Dược là 46 triệu đồng/năm học...

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh lý giải, việc tăng học phí để các nhà trường có thêm kinh phí nâng cấp cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị phục vụ dạy học; qua đó, bảo đảm sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn.

Trước việc nhiều trường đại học tăng học phí, các học sinh đang làm hồ sơ xét tuyển đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng. Học sinh Trần Thị Bích Phương (lớp 12A1, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Công Trứ - quận Gò Vấp) chia sẻ: “Em dự định dự tuyển vào Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Hiện ba mẹ em là công nhân, dưới em còn em nhỏ đang học phổ thông. Nếu học phí một năm học đại học lên đến cả chục triệu đồng, em lo là gia đình không đủ khả năng chi trả”.

Linh hoạt hỗ trợ người học

Nắm bắt được nỗi lo lắng của nhiều học sinh và các bậc phụ huynh, một số trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường triển khai các chính sách hỗ trợ người học.

Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường sẽ hỗ trợ 35% học phí cho sinh viên theo học một số ngành, như: Khoa học xã hội và Nhân văn, Ngôn ngữ. Cùng với đó, hằng năm, nhà trường đều có học bổng hỗ trợ sinh viên khó khăn qua các chương trình: Học bổng khuyến học - khuyến tài, học bổng doanh nghiệp, học bổng cựu sinh viên, học bổng theo chính sách của Nhà nước…

Theo Tiến sĩ Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, năm học 2022-2023, nhà trường tiếp tục hợp tác với các ngân hàng triển khai gói hỗ trợ học tập lên đến 20 tỷ đồng cho sinh viên. Theo đó, từ học kỳ II của năm thứ nhất, sinh viên khó khăn có thể nộp đơn vay vốn học tập với mức lãi suất giảm 50% so với mức lãi suất thông thường, thời hạn vay 3 năm. Ngoài ra, sinh viên có thể chọn gói hỗ trợ tín dụng trả chậm đến 12 tháng để thanh toán học phí.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh thông tin, nhà trường sẽ chi gói hỗ trợ với số tiền hơn 30,6 tỷ đồng cho các quỹ học bổng và hỗ trợ sinh viên. Với những sinh viên gặp khó khăn trong năm 2022, nhà trường giảm ngay 5% học phí của học kỳ I. Theo tính toán, mức giảm này có thể lên đến hơn 10 tỷ đồng.

Trong khi đó, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì Quỹ Phát triển được hình thành từ năm 2020 đến nay. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ, Giám đốc Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua 2 năm hoạt động, quỹ đã cho gần 200 sinh viên vay để trang trải chi phí học tập không lãi suất. Mỗi sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay từ quỹ tối đa 20 triệu đồng/học kỳ. Cùng với đó, Quỹ đã hợp tác với một số doanh nghiệp cho sinh viên vay lãi suất thấp (1-2%/năm) để sinh viên trang trải tiền học, khi ra trường về làm việc cho doanh nghiệp.

“Dưới tác động của dịch Covid-19 và xu thế tự chủ đại học đi kèm với lộ trình tăng học phí của các trường, sinh viên ngày càng gặp khó khăn trong việc trang trải kinh phí học tập nên việc có nhiều chính sách hỗ trợ học phí, cho vay để trang trải học phí là việc chúng tôi luôn trăn trở. Thời gian tới, Quỹ Phát triển Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tập trung mở rộng mô hình liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay để đóng học phí của sinh viên”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Tứ cho biết.

Thanh Tàu