Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh qua đời
Văn hóa - Ngày đăng : 17:48, 11/03/2022
Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh sinh năm 1933 tại Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội). Năm 12 tuổi, ông rời làng lên phố Hàng Ngang học việc và tham gia liên lạc, truyền tin cho cách mạng. Ông có thời gian lên chiến khu Việt Bắc, tham gia Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, sau này cùng đoàn quân trở về tiếp quản Thủ đô ngày 10-10-1954. Năm 1968, ông được cử làm nghiên cứu sinh ở Bulgaria. Sau đó, ông trở về nước, vừa sáng tác, biên đạo, vừa tham gia nghiên cứu lý luận nghệ thuật múa.
Hơn 70 năm hoạt động nghệ thuật, ông đã sáng tác, đồng sáng tác hơn 100 tác phẩm múa giá trị, như: “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh”, “Theo cờ Giải phóng”, “Anh hùng Bế Văn Đàn”, “Cô gái giao liên”, “Giã gạo dưới trăng”, “Thần tốc, thần tốc”, “Tiếng vọng non ngàn”… Cùng với đó, ông trực tiếp biên soạn, xuất bản hơn 20 cuốn sách, công trình nghiên cứu về múa và văn hóa, tiêu biểu là: “Nghệ thuật múa tín ngưỡng dân tộc Việt Nam”, “100 điệu múa truyền thống Việt Nam”, cụm công trình “Nghiên cứu lý luận nghệ thuật múa”…
Đặc biệt, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh rất tâm huyết sưu tầm, gìn giữ, phục dựng múa cổ Thăng Long - Hà Nội. Ông cùng đồng nghiệp hoàn thành công trình “Sưu tầm, phục hồi múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội” với việc đưa 54 điệu múa vào sách “Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội”, ghi hình 8 điệu múa cổ truyền đặc trưng, tổ chức nhiều buổi biểu diễn múa cổ…
Bên cạnh sáng tác và nghiên cứu, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh còn tham gia công tác quản lý với cương vị Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) và Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam…
Với những cống hiến cho nghệ thuật múa của Thủ đô và nước nhà, Nghệ sĩ nhân dân Lê Ngọc Canh được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú…