Cần quan tâm nâng cao công tác kiểm tra công vụ nội bộ
Đời sống - Ngày đăng : 15:48, 11/03/2022
Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, trong tháng 1-2022, 100% sở, ban, ngành thành phố; UBND quận, huyện, thị xã ban hành kế hoạch và quyết định thành lập đoàn kiểm tra công vụ của cơ quan, đơn vị mình. Ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm 2022, đồng loạt nhiều cơ quan, đơn vị báo cáo việc thực hiện kiểm tra công vụ nội bộ.
Đoàn kiểm tra công vụ thành phố thực hiện kiểm tra xác suất 2 đơn vị (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường). Các đơn vị đều có kế hoạch kiểm tra, quyết định thành lập đoàn kiểm tra, thực hiện kiểm tra công vụ nội bộ ngay từ những ngày đầu làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tính riêng đoàn kiểm tra công vụ thành phố đã thực hiện 10 cuộc kiểm tra công vụ (9 cuộc kiểm tra đột xuất, 1 cuộc kiểm tra xác minh vụ việc).
“Mặc dù các cơ quan, đơn vị sớm triển khai thực hiện kiểm tra công vụ nội bộ nhưng hiệu quả kiểm tra cần được quan tâm nâng cao. Có đơn vị kiểm tra công vụ nhưng không phát hiện kịp thời thiếu sót trong giải quyết hồ sơ hành chính của đơn vị mình. Mặt khác, còn có đơn vị chậm muộn giải quyết hồ sơ hành chính của công dân, tổ chức”, bà Vũ Thu Hà nói.
Năm 2022, để tiếp tục cải thiện các chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), chỉ số đo lường sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà cho biết, thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, như triển khai có hiệu quả Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và kế hoạch của UBND thành phố; theo dõi, đôn đốc, đẩy mạnh rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng, công bố, công khai các quy chế, quy trình liên thông thủ tục hành chính, trọng tâm là các lĩnh vực: Tài nguyên - môi trường, xây dựng - đô thị, tư pháp, kế hoạch và đầu tư. Thực hiện nghiêm quy định về định kỳ tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính; theo dõi, kiểm soát có hiệu quả các nội dung, kênh thông tin liên quan đến kiến nghị, phản ánh của người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính.
Chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ và hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền; đổi mới hình thức lấy ý kiến, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin. Triển khai các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao sự hài lòng đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường, kế hoạch và đầu tư.
Thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính đang được các cơ quan, đơn vị quản lý, lưu trữ bằng văn bản giấy theo quy định; quy trình số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; rà soát, lập danh mục và xây dựng quy trình giải quyết công việc nội bộ (ngoài thủ tục hành chính) tại các cơ quan, đơn vị.
Thành phố cũng tập trung đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin cho cấp xã, đặc biệt là bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành và phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của các cơ quan hành chính thành phố; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phần mềm một cửa dùng chung 3 cấp của thành phố theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch và giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.