Gìn giữ nét đẹp tín ngưỡng thờ Mẫu
Văn hóa - Ngày đăng : 06:26, 12/03/2022
Luôn tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn
Đến hẹn lại lên, cứ khoảng tháng Giêng, tháng Hai (âm lịch) hằng năm, nhiều đền, điện, phủ trên cả nước lại tổ chức các buổi hầu đồng - một nghi thức diễn xướng tâm linh không thể thiếu trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt Nam (tín ngưỡng thờ Mẫu).
Tại Hà Nội - một trong những trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu lớn của cả nước, hoạt động này diễn ra khá sôi nổi, nhất là khi các di tích được mở cửa, đón khách trở lại. Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, toàn thành phố có hơn 2 nghìn địa điểm, di tích thờ Mẫu. Đặc biệt, số địa điểm thuộc sở hữu tư nhân tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, nhất là khi tín ngưỡng thờ Mẫu được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2016).
Có hơn 30 năm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa, thủ nhang đền Lưu Phái (huyện Thanh Trì) cho biết: “Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống mãnh liệt, uyển chuyển, phù hợp với mọi hoàn cảnh lịch sử đất nước. Cũng chính bởi những đặc tính ấy, tín ngưỡng thờ Mẫu dễ bị lợi dụng, nảy sinh biến tướng trong thực hành, gây hao mòn di sản, bức xúc trong nhân dân”.
Còn theo Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Thìn (quận Ba Đình), có nhiều dạng biến tướng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, như: Diễn xướng tùy tiện; trang phục, đạo cụ, văn hầu… lệch chuẩn; thực hành mê tín dị đoan trong nghi thức hầu đồng… hoặc tệ hơn là yêu cầu “con nhang đệ tử” bỏ ra khoản tiền lớn để tổ chức hầu đồng, khiến họ tán gia bại sản...
Nhà nghiên cứu Phạm Tứ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) đánh giá thêm, tín ngưỡng thờ Mẫu bị biến tướng, sai lệch còn nằm ở chính ý thức thực hành của các thanh đồng, bản đền, bản phủ.
“Tâm lý đua tranh, giành sức ảnh hưởng của một bộ phận “đồng đua”, “đồng đú” cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống đền, phủ tư nhân thời gian gần đây làm cho hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu trở nên lộn xộn, khó quản lý hơn, cần sớm có giải pháp ngăn chặn”, nhà nghiên cứu Phạm Tứ kiến nghị.
Đẩy lùi "biến tướng" tiêu cực
Nhằm giữ gìn nét đẹp trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, những năm qua, nhiều nghệ nhân thường xuyên tổ chức các buổi trình diễn, giúp người dân hiểu sâu sắc hơn những giá trị tích cực của di sản. Nghệ nhân dân gian Nguyễn Tiến Nghĩa chia sẻ: "Thông qua việc duy trì nghi thức hầu đồng vào dịp đầu năm mới, bên cạnh nhằm giữ gìn truyền thống, tôi mong muốn nhân dân và du khách hiểu rõ hơn về di sản, cùng chung tay bảo vệ, đưa di sản đi đúng quỹ đạo".
Ghi nhận nỗ lực của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản, Trưởng ban Văn hóa (Văn phòng UNESCO tại Việt Nam) Phạm Thị Thanh Hường cho biết: “Việc bảo đảm chuẩn mực trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu sẽ góp phần hạn chế những hành vi tiêu cực, thương mại hóa tín ngưỡng... Các bên liên quan cần phối hợp, thực hiện thật tốt để di sản được thực hành, trao truyền, phát huy đúng với ý nghĩa bản sắc tốt đẹp vốn có”.
Còn Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Lê Thị Minh Lý cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất khi truyền dạy di sản tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn là trao truyền nhận thức về giá trị di sản, hướng dẫn thực hành và hành động bảo vệ di sản. Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho mọi người dân hiểu được giá trị tích cực của tín ngưỡng thờ Mẫu, từ đó có ý thức đấu tranh, tẩy chay cái xấu, phát huy cái tốt…”.
Về vấn đề này, theo Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhiều hoạt động, nhằm nâng cao vai trò, hiệu quả trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản, như: Hội thảo khoa học “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên địa bàn Hà Nội - Nhận diện, bảo tồn và phát triển”; Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu - Hà Nội… Thời gian tới, với việc thực hiện Kế hoạch số 55/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025, ngành Văn hóa Thủ đô sẽ tập trung triển khai Chương trình hành động quốc gia nhằm thực hiện các nội dung đã cam kết với UNESCO; ban hành và tổ chức triển khai Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt Nam.