Không chỉ nói lên tiếng nói của bản thân

Văn hóa - Ngày đăng : 06:25, 13/03/2022

(HNMCT) - Từ xưa đến nay, thơ có vai trò quan trọng trong cuộc sống. Bên cạnh tác dụng kỳ diệu đối với tâm hồn, thơ còn có chức năng thông tin, giáo dục, là nhịp cầu đặc biệt đưa con người lại gần nhau hơn. Đó là lý do tại sao khi thế giới ngày càng hiện đại hóa, thơ vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong nền văn học các quốc gia.

Thơ giúp chúng ta học cách cảm nhận, lắng nghe và thấu hiểu.

Thơ ca thuộc phong cách ngôn ngữ nghệ thuật được lựa chọn một cách tinh tế và sắp xếp để đạt giá trị thẩm mỹ cao nhất. Không phải ngẫu nhiên khi Đường thi của Đỗ Phủ, Lý Bạch... có từ hàng ngàn năm trước mà vẫn có sức ảnh hưởng đến tận bây giờ. Còn thơ của Puskin - “mặt trời của thi ca Nga” - có sức lay động khắp địa cầu. Không có thơ, cuộc sống sẽ nghèo nàn, tâm hồn, tình cảm con người sẽ trở nên cằn cỗi.

Thiên tài thi ca của Anh đầu thế kỷ XIX Percy Bysshe Shelley từng viết: “Thơ giúp vén lên tấm màn che vẻ đẹp tiềm ẩn của thế giới”. Còn với nhà thơ đương đại người Anh Carol Ann Duff: “Thơ là một hình thức truyền tải thông điệp..., là sự hoàn hảo trong ngôn từ. Thơ cũng là phương tiện để nhận ra con tàu lượn nhanh, hối hả của thời đại kỹ thuật số trong thế kỷ XXI”.

Cũng có nhận định cho rằng, thơ là người bạn đồng hành của con người trong suốt nhiều giai đoạn lịch sử cùng sự phát triển của nhận thức xã hội. Điều này được chứng minh qua khả năng đa diện của thơ ca trong việc truyền cảm hứng cho con người hành động và làm nổi bật một câu chuyện chưa từng được biết đến trước đây.

Thông qua thơ ca, thế giới này càng thêm sức sống và đầy những bất ngờ. Bên cạnh đó, thơ ca hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Bằng ngôn từ đặc sắc, được sắp xếp một cách cách khéo léo, thơ dễ dàng tác động đến nhận thức, tư tưởng của con người. Chính vì thế, nó gửi gắm giá trị đạo đức nhân sinh một cách tinh tế. Đó không bao giờ là tri thức khô khan, giáo điều mà là những lời nhắn nhủ chân thành, gần gũi nhất. Những bài học về lối sống, về cách nhìn nhận thế giới, cả những kinh nghiệm trong lao động, trong ứng xử đều được thể hiện dưới hình thức ngôn từ tinh tế, uyển chuyển.

Trong một bài viết trên báo The Guardian có tiêu đề “Thơ đã thắp sáng những khoảnh khắc đen tối trong cuộc đời chúng ta như thế nào?”, tác giả Joanna Moorheard viết: “Thơ giúp chúng ta học cách cảm nhận, lắng nghe và thấu hiểu mọi thứ xung quanh, khiến ta có cảm giác về sự tồn tại của một tiếng nói khác luôn vang vọng bên trong con người mình; nó như một người chỉ đường, chỉ dẫn ta mọi thứ để đáp ứng với nhu cầu tâm lý của chúng ta”.

Nhân vật được đề cập trong bài viết là một cô gái người Anh có tên Rachel Kelly - người từng có thời gian rơi vào cảm xúc tiêu cực. Nhờ có thơ, hiện giờ cô đã lạc quan và có cái nhìn tích cực hơn về cuộc đời.

Kelly nói: “Tôi đã uống rất nhiều loại thuốc nhưng vẫn ở trong trạng thái lo lắng, khủng hoảng. Những cơn đau kéo dài khiến tôi không thể nào chịu đựng. Những câu thơ đã giúp tôi vượt qua tất cả. Thơ giúp tôi có cảm giác chắc chắn và ổn định. Có thể nói, thơ ca như một điểm tựa giúp chúng ta đứng vững”.

Còn trong suy nghĩ của nữ nhà báo Anh Georgina Rodgers, thơ ca như một kẻ lữ hành từ tốn, chậm rãi đi bên cuộc đời với những thi từ ý vị. Rodgers nói: “Chúng tôi quen với việc tìm kiếm những phím tắt, lướt qua mọi thứ trên màn hình trong hầu hết thời gian rảnh hoặc bỏ lỡ những điều chúng tôi cho rằng không cần thiết, nhưng thơ khiến chúng tôi ngồi lại gần nhau, buộc chúng tôi phải đưa ra một cái gì đó ở mức độ sâu hơn, khiến chúng tôi phải vận động cả cảm xúc lẫn suy nghĩ”.

Đánh giá cao vai trò của thơ trong đời sống, xã hội, từ năm 1999, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chọn ngày 21-3 hằng năm là “Ngày thơ thế giới” nhằm mục đích tôn vinh những thành tựu mà thơ ca có thể tạo ra, từ đó hình thành các mối quan hệ có ý nghĩa và mở rộng tâm trí của mỗi người về lịch sử và văn hóa.

Trong các tài liệu được UNESCO lưu lại, thơ được công nhận là loại hình văn học lâu đời nhất, là một hình thức biểu đạt ngôn ngữ và bản sắc văn hóa quý giá nhất của nhân loại. Nói một cách cụ thể hơn, trong suốt chiều dài lịch sử, thơ ca đã tồn tại ở mọi nền văn hóa, được sử dụng như một trong những công cụ mạnh mẽ nhất để thể hiện tình yêu và sự mất mát, hoặc kể lại những câu chuyện và giai thoại. Thơ ca có thể thay đổi cách mọi người nhìn thế giới, truyền cảm hứng cho người khác và khôi phục mối quan hệ giữa con người với nhau.

Theo UNESCO, ngày nay, một số người có thể coi thơ là lỗi thời. Và đó là lý do tại sao mục đích của ngày đặc biệt này là khuyến khích sự trở lại của các hình thức truyền thống của thơ, khắc họa hình ảnh hấp dẫn của thơ trên các phương tiện truyền thông, và hỗ trợ các nhà xuất bản thơ nhỏ.

UNESCO hy vọng, “Ngày thơ thế giới” sẽ giúp thúc đẩy thêm nhiều thế hệ mới của những người yêu thơ. Ngoài ra, sứ mệnh của nhà thơ cũng được nâng cao. Họ không chỉ nói lên tiếng nói của bản thân, mà còn có thể nói lên tiếng nói của muôn triệu trái tim, muôn triệu con người. Có như thế, sáng tác của họ mới có sức sống và sức tác động mạnh mẽ.

Quỳnh Dương