Chủ động ứng phó
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:12, 14/03/2022
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khi mực nước một số sông trên địa bàn Hà Nội liên tục bị hạ thấp do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hoạt động phát triển kinh tế của con người, đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc lấy nước phục vụ nông nghiệp. Điển hình là trong vụ xuân 2022, dù Hà Nội đã lấy nước đủ 100% diện tích trong khung thời vụ, nhưng vẫn chậm nhất so với các tỉnh, thành phố khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ.
Theo số liệu quan trắc của Sở NN&PTNT Hà Nội, mực nước trên sông Hồng (đo tại Trạm thủy văn Sơn Tây trong thời gian xả nước tăng cường từ các hồ chứa thủy điện phục vụ sản xuất vụ xuân 2022) giảm 0,3-0,8m so với năm 2021. Trên sông Đà, mực nước cũng giảm mạnh, dao động 0,6-1m...
Trên thực tế, vấn đề vận hành hệ thống thủy lợi khi mực nước các sông hạ thấp luôn được quan tâm mỗi khi vụ xuân đến. Các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương, trong đó có thành phố Hà Nội, các đơn vị thủy lợi cũng đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp cấp bách và lâu dài nhằm từng bước khắc phục, tiến tới thích ứng, song đến nay kết quả đạt được vẫn chưa như mong đợi.
Trong khi đó, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, diễn biến mực nước trên các sông: Hồng, Đà, Đuống qua Hà Nội có xu hướng giảm dần trong những năm tới. Vấn đề đặt ra là các cấp, ngành của thành phố Hà Nội cần sớm có giải pháp để vừa bảo đảm ổn định nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa hạn chế phụ thuộc vào dòng chảy bổ sung từ các hồ thủy điện...
Theo đó, nhiệm vụ trước mắt các cấp, ngành của thành phố cần triển khai là khảo sát, đánh giá hiện trạng toàn bộ hệ thống thủy lợi trên địa bàn, làm cơ sở đề xuất đầu tư xây dựng các công trình lấy nước ở mức thấp phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm, cống hiện hữu dọc các sông đang chậm tiến độ để bảo đảm có thể lấy được nước phục vụ sản xuất trong thời gian sớm nhất.
Đặc biệt, trong khi chờ xây dựng bổ sung các trạm bơm mới, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục cải tạo, nâng cấp, xây mới trạm bơm dã chiến ở các địa bàn trọng điểm; cải tạo, nâng cấp, nâng cao trình và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; hiện đại hóa thiết bị, điều chỉnh quy trình vận hành các hồ chứa trên địa bàn.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc sử dụng nguồn nước tưới, tránh lãng phí. Phối hợp với các đơn vị thủy lợi tổ chức nạo vét hệ thống kênh trục dẫn nước, cửa khẩu lấy nước, khơi thông dòng chảy để vận hành hiệu quả.
Về lâu dài, để chủ động hơn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm sản xuất và dân sinh, cùng với việc theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, nguồn nước, khí tượng thủy văn để thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành của thành phố, ngành Nông nghiệp Thủ đô cần chú trọng nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi; ứng dụng công nghệ thông tin trong vận hành hệ thống thủy lợi; đồng thời nâng cấp hệ thống quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng trong lĩnh vực thủy lợi.
Chủ động triển khai các giải pháp nâng cấp hạ tầng hệ thống thủy lợi, ứng phó với việc mực nước trên hệ thống các sông bị hạ thấp như hiện nay, năng lực lấy nước phục vụ sản xuất trên địa bàn Hà Nội mới sớm được cải thiện, bảo đảm năng suất và chất lượng cho sản xuất nông nghiệp của Thủ đô.