Bảo đảm vai trò nòng cốt

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 15/03/2022

(HNM) - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện thông qua tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm củng cố, phát triển, bảo đảm kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước làm nòng cốt, đồng thời Nhà nước có thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Ý nghĩa là vậy, song tiến độ triển khai công tác này thời gian qua vẫn chậm chạp, không đạt yêu cầu đề ra.

Thực tế đã chứng minh, cơ cấu lại là con đường chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, góp phần khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế. Song, bên cạnh những doanh nghiệp đã cơ cấu lại, thực sự trở thành “sếu đầu đàn” của nền kinh tế, vẫn còn không ít doanh nghiệp đang loay hoay với nhiều lý do. Ngoài yếu tố khách quan là các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu trong giai đoạn này hầu hết là đơn vị lớn, sử dụng nhiều đất đai..., thì một trở lực rất lớn khác là một số cơ quan đại diện chủ sở hữu và người đứng đầu doanh nghiệp cố tình “đủng đỉnh” vì lợi ích cá nhân, có tâm lý đùn đẩy, né tránh trách nhiệm...

Hệ lụy là trong giai đoạn 2016-2020 mới chỉ có 39/128 doanh nghiệp thuộc danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã cổ phần hóa; 106 doanh nghiệp thoái vốn, bằng 30% số doanh nghiệp phải thực hiện theo các quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ... Kế hoạch tái cơ cấu những năm qua không hoàn thành, trở thành gánh nặng cho giai đoạn tiếp theo. Hiện nay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025” nhằm tiếp tục cơ cấu lại có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ...

Thực tế cho thấy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước không thể chậm trễ thêm!

Kích đẩy quá trình này, những năm qua, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản, giúp hình thành khung pháp lý khá đầy đủ và chặt chẽ về lĩnh vực sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc thực thi kế hoạch tái cơ cấu chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, việc xử lý trách nhiệm với tổ chức, cá nhân chưa đủ mạnh. Do đó, thời gian tới, cần phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể hơn cho các bộ, ngành, địa phương; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt, “hằng quý, 6 tháng, hằng năm phải rà soát, báo cáo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh phù hợp với thực tế triển khai” như kết luận của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Cùng với đó, trong quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cũng cần phân cấp, phân quyền, trao quyền chủ động hơn cho doanh nghiệp, gắn với công khai, minh bạch, tuân thủ nguyên tắc thị trường, không để xảy ra hiện tượng lợi ích nhóm. Đồng thời, cơ quan chức năng tiếp tục cải cách hành chính, đơn giản hóa, tránh rườm rà, lãng phí trong thực hiện thủ tục về công tác này.

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cho thấy, việc chuẩn bị, xây dựng hồ sơ cổ phần, thoái vốn... phải tiến hành rất thận trọng để bảo đảm phương án không phải làm đi làm lại, vừa mất thời gian, vừa gây lãng phí tiền bạc. Các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc định giá đất đai, tài sản để phương án cơ cấu lại được thuận lợi, đúng quy định.

Chỉ khi quyết liệt đổi mới cách thức triển khai thực hiện cơ cấu lại; thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra; điều chỉnh phương thức, nâng cao chất lượng công tác quản trị thì doanh nghiệp nhà nước mới bảo đảm vai trò nòng cốt, đủ khả năng dẫn dắt doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cùng phát triển.

Thiện Mỹ