WYA - phong trào thanh niên nổi bật toàn cầu
Chuyện đó đây - Ngày đăng : 14:29, 15/03/2022
World Youth Alliance (WYA) được thành lập năm 1999 bởi nhà sáng lập Anna Halpine sau khi chị tham dự một hội nghị của Liên hợp quốc (LHQ) về dân số và phát triển. Năm đó, dù mới 21 tuổi song thông qua những ý kiến tại hội nghị, cô gái trẻ người Canada đã nhận ra những điều mình cần làm để nâng cao nhận thức về phẩm giá của con người, những nhu cầu cơ bản của con người cần được quan tâm và bảo vệ như giáo dục, nước sạch và nghề nghiệp. “Sự phát triển của con người toàn diện bao gồm các mặt đạo đức, tinh thần, tình cảm, trí tuệ cũng như thể chất. Mối quan tâm chính của chúng tôi là các vấn đề liên quan đến giáo dục, gia đình, việc làm và phát triển. Đây là nguyên tắc cho tương lai của chúng ta”, Anna Halpine chia sẻ.
Với mong muốn thúc đẩy sự hiểu biết đúng đắn về phẩm giá con người, hướng tới sự tự do, đoàn kết, sự phát triển đích thực, WYA do Anna Halpine đứng đầu đã bắt tay ngay vào hành trình cung cấp cho thế hệ trẻ những hành trang cần thiết để có thể mang lại tầm nhìn mới và sự thay đổi tích cực về văn hóa. Sau 23 năm xây dựng và phát triển, hiện WYA có 6 trụ sở đặt tại các châu lục trên thế giới và thường xuyên hợp tác và đối thoại với LHQ, Liên minh Châu Âu (EU), Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ về các chủ đề: Chính sách quốc tế và nhân quyền; Phát triển kinh tế; Phát triển xã hội; Sức khỏe toàn cầu; Giáo dục… WYA đã xây dựng được một liên minh toàn cầu với hơn 1 triệu thành viên dưới 30 tuổi. Đây đều là những người có ảnh hưởng trong cộng đồng mà họ sinh sống và sẵn sàng tham gia hoạt động để đưa mục tiêu của WYA trở thành hiện thực. Theo họ, một thế giới văn minh là nơi con người trở thành trung tâm và nền tảng cho việc xây dựng chính sách.
Những thành viên mới gia nhập sẽ được WYA đào tạo về các vấn đề thế giới cần quan tâm, thúc đẩy khả năng sáng tạo để có thể xây dựng và triển khai các giải pháp phù hợp với cộng đồng nơi họ sinh sống. Đơn cử như vấn đề giáo dục, WYA tin rằng lĩnh vực này không đơn thuần là chuyển giao kiến thức mà còn là sự thấm nhuần các giá trị và cho phép con người phát triển, phát huy đầy đủ tiềm năng của mình. Như vậy, các thành viên mới sẽ được tiếp cận những khái niệm tưởng chừng đã cũ nhưng lại được mở rộng bởi tầm nhìn của cộng đồng WYA trên khắp thế giới. Họ cũng được khuyến khích đưa ra quan điểm mới, cách nhìn mới để có thể cải thiện hoặc nâng cao chất lượng các hoạt động của phong trào này.
Faye Ysabela Ong, một thực tập sinh tại trụ sở WYA ở Philippines kể lại kỷ niệm đáng nhớ khi được tham dự một số sự kiện của LHQ: “Tôi thấy rất vui. Đây là giấc mơ mà tôi mong muốn trong một thời gian dài và cuối cùng đã trở thành hiện thực. Nếu không vì đại dịch Covid-19, tôi đã có thể trực tiếp tham dự sự kiện này, nhưng tham dự trực tuyến không làm tôi cảm thấy giảm bớt cảm xúc và trải nghiệm tuyệt vời. Một trong những chủ đề mà tôi quan tâm lần này là “Phục hồi toàn diện và mạnh mẽ hậu Covid-19 để tạo sinh kế bền vững”. Thật tuyệt vời khi thấy các diễn giả chia sẻ chính sách và biện pháp mà họ đã thực hiện để chống lại đói nghèo cả trong thời kỳ đại dịch và trong tương lai. Tôi đã tham dự 5 sự kiện bên lề và tất cả đều rất sâu sắc. Rất nhiều trong số diễn giả là người trẻ tuổi như tôi. Rõ ràng, việc đưa thanh niên vào các phiên thảo luận của LHQ giúp mang lại sự thay đổi tích cực vì chúng tôi là tương lai của thế giới. Tôi cũng cảm thấy trở thành thành viên của WYA là một quyết định đúng đắn. Giờ đây, tôi đã là một phần của phong trào toàn cầu, coi con người là động lực chính cho sự thay đổi hướng tới một xã hội tích cực hơn”.
Theo các nhà xã hội học, tương tự như WYA, các phong trào thanh niên đã chứng tỏ tính hiệu quả để giới trẻ vận động giải quyết các vấn đề xã hội. Đây tiếp tục là động lực đáng kể cho những thay đổi tích cực trên toàn cầu trong tương lai.