Mùa lễ hội 2022: Linh hoạt để thích ứng với tình hình mới
Văn hóa - Ngày đăng : 14:22, 15/03/2022
Giữ “lễ” trong sự an toàn
Với hơn 1.000 lễ hội lớn nhỏ, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, Hà Nội là địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước. Năm nay, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, công tác phòng, chống dịch được đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho người dân, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương chỉ tổ chức phần “lễ”, không tổ chức phần “hội”. Ban tổ chức các lễ hội lớn đầu xuân của Hà Nội như: Lễ hội Đền Thượng - Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Sóc (huyện Sóc Sơn), Lễ hội kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (quận Đống Đa), Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), Khu di tích - thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh)… đã bỏ phần “hội”, chỉ giữ lại phần “lễ” với nghi thức dâng hương có quy mô nhỏ, lượng người tham gia giới hạn.
Chánh Văn phòng UBND huyện Sóc Sơn Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Hội đền Sóc là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, hội tụ nhiều nghi thức độc đáo như: Lễ mộc dục, lễ rước phẩm vật, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa... Tuy nhiên, để phòng dịch Covid-19, hội đền Sóc năm nay tiếp tục tạm dừng, chỉ duy trì phần lễ. Các nghi thức dâng hương, tế lễ chỉ có sự tham gia của lãnh đạo và đại diện nhân dân địa phương. Tuy không tổ chức hội nhưng đền vẫn mở cửa để người dân đến dâng hương, dâng lễ vật và thực hiện nghi thức tế lễ với quy mô hạn chế.
Bên cạnh việc “giảm hội, giữ lễ”, sau thời gian dài các khu di tích không đón khách để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hà Nội đã cho phép mở cửa các điểm di tích trở lại từ ngày 14-2. Trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn, du khách được yêu cầu quét mã QR và thực hiện nghiêm quy định phòng dịch của Bộ Y tế, có nơi hạn chế số người vào hành lễ. Bên cạnh đó, Hà Nội còn yêu cầu các quận, huyện, thị xã căn cứ thông báo cấp độ dịch của thành phố để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, các Ban quản lý di tích chủ động thực hiện công tác quản lý, đón tiếp khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn phù hợp theo từng cấp độ, bảo đảm an toàn, linh hoạt, hiệu quả, tuân thủ đúng các hướng dẫn về phòng dịch của Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của thành phố.
Bí thư Huyện đoàn Mỹ Đức Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, từ khi chùa Hương đón du khách trở lại, nơi đây đã thu hút nhiều du khách thập phương. Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, tại 3 cổng trạm vào Khu di tích, huyện Mỹ Đức đã bố trí đầy đủ lực lượng nhằm nhắc nhở, yêu cầu du khách thực hiện nghiêm quy định phòng dịch, đảm bảo 100% du khách đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, khai báo y tế bằng mã QR code. Huyện cũng đồng thời bố trí 8 chốt kiểm soát và 3 lều y tế lưu động để xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có biểu hiện nhiễm bệnh. Riêng Huyện đoàn còn bố trí đoàn viên, thanh niên tham gia phát khẩu trang miễn phí cho du khách.
Bên cạnh đó, để đảm bảo đời sống tinh thần cho người dân, thời gian qua, tại một số điểm di tích, cơ sở thờ tự đã có những cách làm sáng tạo như tổ chức lễ cầu an trực tuyến. Đây là giải pháp cần tiếp tục phát huy, nhân rộng, bởi đó là cách hiệu quả để vừa giúp người dân thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng lành mạnh, vừa bảo đảm phòng, chống dịch.
Nâng cao hệ thống kiểm tra, giám sát
Với tốc độ tiêm phủ vắc xin nhanh, hiệu quả và kinh nghiệm ứng phó với đại dịch Covid-19, Việt Nam có cơ sở để tự tin nối lại các hoạt động văn hóa, du lịch đáp ứng đời sống tinh thần, nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân. Tuy nhiên, để triển khai các hoạt động đạt hiệu quả, cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm chủ động kiểm soát rủi ro, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới.
Chính vì thế, ngay sau Tết Nguyên đán không lâu, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã triển khai hệ thống kiểm tra, giám sát công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố, công bố rộng rãi đường dây nóng phản ánh thông tin liên quan đến việc phòng, chống dịch trong mùa lễ hội; tổ chức 3 đoàn liên ngành thực hiện kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong hoạt động di tích và lễ hội… Cùng với đó, các địa phương có tổ chức lễ hội, nhất là các lễ hội lớn, thời gian kéo dài, thu hút đông người… đã đồng loạt xây dựng kế hoạch siết chặt công tác phòng dịch trong mùa lễ hội, phân công cụ thể các đơn vị triển khai nhiệm vụ ngăn chặn từ xa việc tập trung đông người vào các ngày chính hội.
Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Thành phố về phòng, chống dịch Covid-19, huyện Thạch Thất thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, thị trấn đến toàn thể nhân dân trong huyện và du khách thập phương về việc không tổ chức lễ khai hội chùa Tây Phương vào ngày 6-3 âm lịch. Mới đây, khi Thành phố Hà Nội cho phép mở cửa trở lại các điểm di tích, huyện đã xây dựng phương án chi tiết vừa phòng, chống dịch Covid-19 vừa đáp ứng nhu cầu hoạt động tâm linh của nhân dân. Cụ thể, huyện đã phân công công chức văn hóa xã hội hướng dẫn Ban quản lý các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thực hiện việc tạo mã QR, niêm phong mã QR khai báo y tế trước khi mở cửa hoạt động trở lại. Cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người, đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19”.
Thực tế cho thấy, bất kỳ hoạt động mang tính cộng đồng nào cũng cần được tổ chức, quản lý, vận hành theo hướng tích cực, và thực hành tín ngưỡng cũng không là ngoại lệ. Vì thế, bên cạnh vai trò quản lý của chính quyền địa phương, ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội, cần có sự vào cuộc rốt ráo của các cơ quan chức năng trong việc định hướng và đôn đốc, kiểm tra các hoạt động thực hành tín ngưỡng, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về phòng, chống dịch hoặc lợi dụng lễ hội để trục lợi... Đặc biệt, để có được thành công chung thì ý thức chấp hành quy định về phòng, chống dịch của người dân là rất quan trọng. Mỗi người cần có sự điều chỉnh về hành vi, thói quen khi thực hành tín ngưỡng sao cho phù hợp để cùng Thành phố thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch hiệu quả vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng cho người dân.