Bám sát nhu cầu sử dụng lao động
Đời sống - Ngày đăng : 06:30, 15/03/2022
- Cung - cầu sử dụng lao động có kỹ năng nghề đang có những thay đổi nhất định, vậy bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Theo đà phục hồi kinh tế, thị trường lao động, việc làm hiện có những tín hiệu tích cực. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận có nhu cầu tuyển dụng nhân sự phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối tượng được tập trung, ưu tiên tuyển dụng chủ yếu là lao động qua đào tạo, có kỹ năng nghề. Trong khi đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Hà Nội tuy cao, hiện đạt 71,1% (cao hơn 5,1% so với mức bình quân cả nước); tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 50,2%, nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao của doanh nghiệp. Điều này lý giải, vì sao nhiều doanh nghiệp khó tuyển đủ lao động có kỹ năng nghề và một bộ phận người lao động chưa có cơ hội tiếp cận với việc làm tốt.
- Để cung ứng nguồn nhân lực có kỹ năng cho thị trường việc làm, công tác tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2022 được các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội triển khai ra sao, thưa bà?
- Công tác tuyển sinh tiếp tục được các đơn vị, địa phương triển khai linh hoạt, phù hợp với nhiều nhóm đối tượng người học và luôn bám sát nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, thị trường việc làm.
Theo hướng này, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã công bố số lượng, phương thức tuyển sinh cho năm 2022; chủ động tư vấn nghề nghiệp cho phụ huynh, người có nhu cầu học nghề. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội dự kiến tuyển sinh khoảng 2.000 chỉ tiêu, trong đó khoảng 40% sẽ được xét tuyển qua điểm học bạ trung học phổ thông. Cũng với phương thức này, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển sinh gần 2.400 chỉ tiêu trình độ cao đẳng, trung cấp với 19 ngành, nghề...
Trong công tác đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề thích ứng với tình hình mới, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Những cơ sở đã đón học sinh, sinh viên trở lại học tập trực tiếp, bố trí giờ học linh hoạt, chia nhỏ lớp học, chia ca thực hành, bảo đảm tập trung không quá đông người cùng địa điểm. Người học thuộc đối tượng F0, F1 học lý thuyết theo hình thức trực tuyến, học thực hành vào khoảng thời gian phù hợp.
Đối với học sinh, sinh viên năm cuối, đa số nhà trường đều đưa đi thực hành, thực tập, tham gia các hoạt động hỗ trợ sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Giải pháp này vừa bảo đảm chất lượng đào tạo, vừa bổ sung nguồn nhân lực có tay nghề cho doanh nghiệp, mang lại thu nhập cho người học. Nếu bảo đảm đủ các điều kiện, nhà trường và doanh nghiệp có thể tổ chức thi kết thúc môn học, thi tốt nghiệp cho học sinh, sinh viên tại doanh nghiệp.
Đặc biệt, hoạt động đào tạo nghề còn hướng đến những người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Với nhóm này, các cơ quan chức năng hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Hà Nội đã có quyết định hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho nhiều lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19...
- Hiện tại, thị trường việc làm có một số ngành, nghề được cho là “hot”, cần nhiều lao động. Bà có thể cho biết rõ hơn những nghề đó?
- Qua các kênh thông tin “việc tìm người”, thị trường việc làm đang cần tuyển nhân sự có kỹ năng với các nghề, như: Công nghệ thông tin, kỹ thuật cơ khí, tự động hóa, sửa chữa ô tô, kinh doanh thương mại, thương mại điện tử... Tuy nhiên, với bất kỳ ngành, nghề nào, nếu người học đam mê, vững kỹ năng nghề nghiệp, thì cơ hội việc làm với họ luôn rộng mở. Vì thế, người học nên chọn nghề nghiệp phù hợp với bản thân.
Để biết rõ hơn về các ngành, nghề, thí sinh có thể tìm hiểu qua bộ phận tư vấn tuyển sinh của các trường nghề, qua ngày hội tuyển sinh, tư vấn, hướng nghiệp được tổ chức ở một số nơi hoặc qua phương tiện truyền thông...
Với sự chủ động thích ứng từ phía các cơ quan chức năng, nhà trường, doanh nghiệp và người học từ khâu tư vấn tuyển sinh đến khi tốt nghiệp, tôi tin Hà Nội sẽ hoàn thành mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề cho 224.500 lượt người trong năm 2022, tăng 4.000 lượt người so với năm trước (chiếm tỷ trọng khoảng 10% của cả nước). Kết quả này sẽ góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của thành phố, dự kiến đạt 72,2% vào cuối năm nay. Đây cũng là giải pháp nền tảng để bổ sung lực lượng lao động có kỹ năng nghề cho thị trường việc làm, tạo đà hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
- Trân trọng cảm ơn bà!