Nhiều đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đất đai

Đời sống - Ngày đăng : 10:31, 15/03/2022

(HNMO) - Sáng 15-3, tại Hà Nội, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Tiếp tục đổi mới chính sách đất đai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung chia sẻ ý kiến, quan điểm về: “Những điểm nghẽn trong thị trường đất đai ở Việt Nam” và “Một số định hướng và giải pháp hoàn thiện chính sách đất đai trong bối cảnh mới”.

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cần khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai thông qua vốn hóa đất đai. Luật Đất đai cần đưa ra các chính sách tài chính đất đai phù hợp, trên nguyên tắc không lãng phí nguồn vốn đất đai, quản lý tốt đất đai thuộc tài sản công, khuyến khích việc sử dụng đất đai thuộc tài sản tư, từ đó tạo ra các cơ chế phù hợp để tăng nguồn thu từ đất. Đó chính là nguồn lực tài chính phù hợp để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước có chất lượng cao.

Về vấn đề đấu giá quyền sử dụng đất ở Việt Nam, qua trường hợp đấu giá đất tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh cho rằng, đấu giá đất phải bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và cạnh tranh lành mạnh, được áp dụng trong tất cả trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất mà không có ngoại lệ. Đấu giá đất phải đảm bảo quyền và lợi ích cho cả 3 bên là Nhà nước (người bán), doanh nghiệp/người dân (người mua) và thị trường/xã hội trên cơ sở tiếp tục hoàn thiện thể chế đấu giá đất, cả căn cứ pháp lý, cơ chế chính sách lẫn quy trình, thủ tục cũng như bộ máy tổ chức và nhân sự có liên quan.

Đề cập chính sách thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất ở Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Xuân Nghiêm, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, thị trường quyền sử dụng đất là một trong những thị trường có vai trò và vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, có quan hệ trực tiếp với các thị trường bất động sản, thị trường tài chính tiền tệ... Tuy nhiên, thể chế hình thành và phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp còn hạn chế, hoạt động trầm lắng, thiếu ổn định, tồn tại nhiều giao dịch phi chính thức không được quản lý và ở một số nơi có hiện tượng đẩy giá đất tăng đột biến trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, cơ chế xác định giá quyền sử dụng đất hằng năm còn quy định chưa cụ thể, có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến lúng túng, chưa thống nhất khi thực hiện. Việc thu hồi, bồi thường thu hồi đất ở một số địa phương phát sinh khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Theo Tiến sĩ Đinh Xuân Nghiêm, để thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất, đồng thời phát huy giá trị gia tăng của nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm vận hành thị trường đất đai một cách công khai, minh bạch và hiệu quả nhất. Hơn nữa, cần đặc biệt chú trọng giải quyết các điểm nghẽn tồn tại trong quản lý sử dụng đất hiện nay, trong giao đất, cho thuê đất; xác định giá đất, thu hồi đất...

Với hơn 50 bài tham luận từ các chuyên gia, các nhà khoa học, các ý kiến tại hội thảo sẽ được tổng hợp gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách về đất đai trong giai đoạn tới.

Thu Hằng