Khắc phục bất cập để làm tốt việc tiếp dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:18, 15/03/2022
Kết quả từ cố gắng, nỗ lực
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho biết, qua giám sát các sở, ban, ngành và một số địa phương cho thấy, việc bố trí địa điểm tiếp công dân, kiện toàn Ban Tiếp công dân cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Trong khi đó, theo Chánh Thanh tra thành phố Nguyễn An Huy, giai đoạn 2016-2021, Thanh tra thành phố đã tiếp 3.930 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 6.910 đơn, thư. Hơn 70% nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất…
Về vấn đề tiếp công dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, Sở đã tiếp hơn 1.700 lượt công dân, tiếp nhận, giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến đất đai. Đặc biệt, Sở đã xây dựng được phần mềm quản lý đơn thư, triển khai đến các phòng, ban, đơn vị để thực hiện, nên tránh trùng lặp.
Tại huyện Quốc Oai, chủ tịch, các phó chủ tịch UBND huyện thực hiện tiếp công dân định kỳ 2 ngày/tháng. Từ năm 2016 đến 2021, huyện đã tiếp hơn 2.000 lượt công dân, tiếp nhận hơn 1.500 vụ việc, phân loại chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét trả lời, giải quyết. Tương tự, quận Nam Từ Liêm trong 5 năm qua đã tiếp nhận hơn 7.000 đơn, đã giải quyết 98% đơn thư, cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của các cấp, ngành trong quận.
Cần điều chỉnh cho phù hợp
Tuy nhiên, qua giám sát công tác tiếp công dân cũng cho thấy còn không ít bất cập. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, còn tình trạng giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện và chủ tịch UBND cấp xã ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân thay (theo quy định của Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND phải trực tiếp tiếp công dân). Ngoài ra, việc phân loại đơn thư còn chưa đúng, ghi chép sổ sách không đầy đủ, theo dõi thiếu chặt chẽ, nhất là thời hạn giải quyết, trả lời...
Cùng chung nhận định trên, Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn chia sẻ, thực tiễn trên địa bàn thành phố cho thấy, hoạt động tiếp công dân đa số chủ tịch UBND các địa phương giao cho cấp phó tiếp, qua đó thể hiện có “lỗ hổng” trong công tác này.
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại đang đặt ra, theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, việc phân loại đơn thư từ đầu nguồn tiếp nhận rất quan trọng, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng xử lý. Thực tiễn, tiêu đề của đơn không ghi là tố cáo, nhưng nội dung là tố cáo thì cũng cần chuyển đơn giải quyết theo quy định.
Với kinh nghiệm từ cơ sở, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Huy Cường cho rằng, theo quy định là 5 năm phải luân chuyển cán bộ tiếp công dân, nhưng để có một cán bộ tiếp dân đủ năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm không phải dễ. Vì thế, việc luân chuyển cán bộ ở bộ phận tiếp dân chỉ nên thực hiện khi họ có nguyện vọng.
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn đề xuất, Quốc hội nên sửa đổi quy định về số ngày cấp trưởng tiếp công dân. Hiện nay, chủ tịch UBND các địa phương tham gia rất nhiều “vai”, cả cấp ủy và chính quyền nên quá nhiều việc, vì thế cần quy định là chủ tịch UBND tiếp công dân 1 ngày/tháng, còn lại giao cấp phó tiếp. Ở một số lĩnh vực, cấp phó được phụ trách mảng, lĩnh vực thì việc nắm bắt, trả lời ngay được các vấn đề tại cơ sở sẽ dễ dàng hơn.
Đồng tình với việc giao cấp trưởng tiếp công dân 1 ngày/ tháng, còn cấp phó tiếp 3 ngày/ tháng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Đàm Văn Huân cho rằng, có vụ việc chủ tịch UBND giải quyết được ngay, nhưng có việc cấp phó cũng giải quyết được theo lĩnh vực phụ trách. Tuy nhiên, cần phải “luật hóa” vấn đề này mới dễ thực hiện.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên cho rằng, để tránh trùng lặp đơn thư, phần mềm tiếp công dân của thành phố cần sớm được củng cố. Việc này ngành Thanh tra thành phố sớm tham mưu với UBND thành phố để triển khai rộng, nhằm xử lý thông tin nhanh, không trùng lặp, giảm nhân lực.
Dự báo xu hướng khiếu nại, tố cáo sẽ tăng trong thời gian tới, liên quan đến quá trình đô thị hóa và nhiều vấn đề dân sinh như môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng... Vì thế, công tác tiếp công dân của thành phố và các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kỷ cương, trách nhiệm hơn nữa. Trong đó, cấp ủy các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ việc người dân phản ánh, khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở để không tạo nên bức xúc, dẫn đến khiếu nại đông người, vượt cấp gây bất ổn xã hội.