Từ ngày 16-3: Người nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính, không phải cách ly

Đời sống - Ngày đăng : 09:52, 16/03/2022

(HNMO) - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vừa ký Công văn số 1265/BYT-DP về phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, từ ngày 16-3, người nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trước khi xuất cảnh. Khi nhập cảnh vào nước ta, du khách chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại, không cần cách ly.

Công văn này được ban hành sau khi Bộ Y tế đưa ra lấy ý kiến của các bộ, ngành và thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 vào ngày 15-3. Công văn số 1265/BYT-DP được thay thế cho Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16-12-2021 của Bộ Y tế về việc phòng, chống dịch Covid-19 đối với người nhập cảnh.

Cụ thể, đối với người nhập cảnh qua đường hàng không, hướng dẫn nêu rõ: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP) trong vòng 72 giờ hoặc trong vòng 24 giờ (nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2) (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh về Việt Nam và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận (có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2).

Đối với người nhập cảnh đi theo các đường khác: Phải có xét nghiệm như với nhập cảnh đường hàng không (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).

Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, phải thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên với vi rút SARS-CoV-2) kể từ khi nhập cảnh. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời.

Hướng dẫn cũng nêu rõ: Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

Dù không phải cách ly nhưng theo hướng dẫn mới này, Bộ Y tế cũng đưa ra quy định, người nhập cảnh đều phải thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh và sử dụng ứng dụng khai báo y tế (PC-Covid) trong suốt thời gian lưu trú tại Việt Nam.

Tại cửa khẩu, nếu có triệu chứng nhiễm SARS-CoV-02 (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì người nhập cảnh phải báo ngay cho cơ quan y tế tại cửa khẩu để thực hiện các biện pháp y tế theo quy định.

Cũng theo hướng dẫn, trong thời gian 10 ngày kể từ khi nhập cảnh, người nhập cảnh cần tự theo dõi sức khỏe. Nếu có các triệu chứng nghi nhiễm (sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; giảm hoặc mất khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp...) thì báo ngay cho cơ sở y tế nơi gần nhất để được hướng dẫn.

Với người chưa có kết quả âm tính trước khi xuất cảnh, Bộ Y tế yêu cầu, suốt quá trình di chuyển từ cửa khẩu về nơi lưu trú, hạn chế dừng, đỗ dọc đường; tránh tiếp xúc với người xung quanh.

Hãy cài đặt Ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 Quốc gia (PC-Covid) để khai báo y tế, bảo vệ mình và bảo vệ mọi người:

Bước 1: Truy cập vào trang https://pccovid.gov.vn/ hoặc tải trực tiếp từ App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về ứng dụng sẽ yêu cầu nhập số điện thoại để nhận mã OTP kích hoạt. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2 mét đã sử dụng PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc. Khai báo y tế khi có các dấu hiệu như ho, sốt, mất vị giác… hoặc có liên quan, tiếp xúc người nghi nhiễm Covid-19. Luôn luôn quét mã QR nơi bạn đến.

Thu Trang