Cần cơ chế, chính sách xã hội hóa, thu hút đầu tư dự án xử lý chất thải
Đời sống - Ngày đăng : 16:57, 16/03/2022
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đặt vấn đề về giải pháp hiệu quả thu gom xử lý rác thải, nhất là chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19. Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề quan trọng là trách nhiệm của người dân, các cơ chế, chính sách, cơ chế tài chính và phải xã hội hóa được công việc này.
“Trong luật đã đề cập về vấn đề dịch vụ, trong đó cũng đã nói là các dịch vụ này hoàn toàn có thể tính toán một phần người dân đóng góp, một phần ban đầu là trách nhiệm của Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm để trở thành một ngành công nghiệp dịch vụ, có các chính sách ưu tiên, ưu đãi”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng, đối với vấn đề nước thải hiện nay, quan điểm rất rõ là các trung tâm xử lý nước thải, chất thải rắn phải là các trung tâm dịch vụ công và Nhà nước cung cấp mặt bằng; thông qua quy hoạch, lựa chọn công nghệ và hình thành cơ chế đấu thầu, đấu giá và có sự hỗ trợ ban đầu từ Nhà nước để làm sao chi phí xử lý nước thải phù hợp, thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Về chất thải liên quan đến phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng xác định đây là chất thải được quản lý theo quy định quản lý chất thải nguy hại và quản lý chất thải y tế. Bộ Y tế sẽ xem xét và có hướng dẫn mang tính chuyên môn kỹ thuật, còn ngành Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng, xác định phương pháp thu gom.
“Chúng tôi cũng đã cung cấp các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ năng lực xử lý chất thải y tế này trong cả nước để cung cấp cho ngành y tế thời gian qua”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) về việc vệ sinh môi trường đã và đang đặt ra nhiều thách thức khi hiện nay rác thải rắn hầu hết chôn lấp, gây ô nhiễm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đây là vấn đề gây bức xúc nhiều năm qua, hiện nay hệ thống pháp luật, chính sách thực hiện, trách nhiệm đã rõ biện pháp giải quyết. Theo Bộ trưởng, giải pháp xử lý chất thải rắn theo hướng chuyển từ chôn lấp thành tài nguyên, được tái chế, tái sử dụng theo yêu cầu của chính sách kinh tế tuần hoàn.
“Năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá, tổng kết toàn bộ trung tâm xử lý chất thải, đồng thời sẽ đưa ra công nghệ phù hợp cho từng địa phương lựa chọn. Năm nay sẽ là năm chuẩn bị đầy đủ về tiêu chuẩn, quy chuẩn và công nghệ xử lý rác thải”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Trả lời đại biểu Phạm Hùng Thắng (Đoàn Hà Nam) về giải pháp giảm thiểu ô nhiễm sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, các địa phương, trong đó có Hà Nội đặt ra lộ trình đến năm 2030 sẽ thu và xử lý hầu hết nước thải sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đưa ra lộ trình cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nếu không khắc phục, sửa chữa việc xử lý nước thải sẽ buộc phải đóng cửa, đồng thời các cơ sở xây dựng mới phải có khu xử lý nước thải mới cấp phép đầu tư xây dựng dự án.