'Đánh thức'' kinh tế dịch vụ ven sông
Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 16/03/2022
Sông nước còn “ngủ yên“
Sông Sài Gòn có tổng chiều dài khoảng 256km, chảy qua địa phận thành phố Hồ Chí Minh khoảng 80km, bề rộng từ 225-370m, độ sâu tối đa khoảng 20m, diện tích lưu vực trên 5.000km². Theo hướng Bắc - Nam, sông Sài Gòn chảy qua địa bàn 2 huyện, 5 quận và thành phố Thủ Đức gồm: Huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, quận 1, quận 4 và quận 7.
Tuy nhiên, thành phố Hồ Chí Minh chưa thiết lập được hệ thống tiện ích và không gian dịch vụ công cộng, không gian cảnh quan dọc bờ sông Sài Gòn nên chưa khai thác được hiệu quả lợi thế về thương mại, dịch vụ, du lịch. Thực tế là việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều trở ngại về kinh phí, quy trình, thủ tục và thiếu cơ chế phối hợp giữa khu vực quản lý nhà nước với các tổ chức xã hội dẫn đến tài nguyên về sông nước vẫn còn “ngủ yên”. Các bất cập trên dẫn đến việc khu vực sông Sài Gòn hiện chưa phát huy được tiềm năng vốn có và chưa đóng góp hiệu quả vào các mục tiêu phát triển của thành phố.
Theo kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư thành phố Hồ Chí Minh, đoạn sông Sài Gòn từ huyện Củ Chi đến quận 7 đi qua các khu vực nông thôn, đô thị, trung tâm văn hóa, lịch sử và các khu công nghiệp, hoạt động kinh tế khu vực dọc bờ sông. Muốn phát huy tiềm năng, lợi thế đặc thù trên, cần hình thành chuỗi đô thị - thương mại - dịch vụ dọc bờ sông phục vụ phát triển kinh tế. “Để làm được điều này, cần có chủ trương dứt khoát, chính sách rõ ràng, quyết tâm cao và huy động hiệu quả nguồn lực cả trong và ngoài nhà nước”, kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức Nguyễn Kỳ Phùng cho biết, chính quyền thành phố đang thuê đơn vị tư vấn quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 dọc hành lang sông Sài Gòn theo định hướng bám sát quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh, quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, đặc biệt chú trọng quản lý các công trình ven sông vừa phục vụ phát triển kinh tế, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, để phát triển bền vững.
“Đánh thức” sông Sài Gòn
Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống sông ngòi, kênh rạch của thành phố, đặc biệt là sông Sài Gòn có nhiều tiềm năng khai thác phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch. Trong khi đó, thành phố định hướng kinh tế dịch vụ là mũi nhọn tăng trưởng, là ngành đem lại giá trị cộng thêm cho nền kinh tế và bảo tồn hệ sinh thái đô thị.
Chính vì vậy, thành phố Hồ Chí Minh xác định các ngành kinh tế dịch vụ có tiềm năng phát triển ven sông gồm: Giao thông, vận tải đường thủy; du lịch sinh thái, văn hóa lịch sử, làng nghề; du lịch đường thủy; khách sạn, ẩm thực; giải trí, du thuyền, thể thao; các hệ sinh thái dịch vụ, kinh tế sáng tạo... Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Nhã cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố sẽ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình dịch vụ công cộng thí điểm, hạ tầng xanh đa chức năng thí điểm; lập và điều chỉnh quy hoạch các khu vực trọng điểm (tập trung tại khu vực trung tâm thành phố); hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông tại các khu vực hiện hữu, tiềm năng. Từ năm 2025 đến 2045, thành phố sẽ triển khai đầu tư xây dựng công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật, đô thị, song song với việc điều chỉnh quy hoạch theo từng giai đoạn phát triển để phù hợp với thực tiễn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, thành phố Hồ Chí Minh sẽ thực hiện 3 giải pháp chính gồm: Giải pháp về nguồn lực, xây dựng cơ chế tài chính, tích hợp các nguyên tắc tài chính, đất đai đặc thù (tạo quỹ đất đấu giá thông qua các dự án cải tạo chỉnh trang đô thị); giải pháp về quản lý thực hiện, khuyến khích và tạo điều kiện hợp tác công - tư, trước mắt ưu tiên đầu tư tại khu vực trung tâm văn hóa lịch sử hiện hữu, đầu tư các công trình hạ tầng hiện có như đường sắt đô thị, cầu qua sông, đường ven sông...; giải pháp kỹ thuật, phân vùng không gian kiến trúc cảnh quan thượng lưu, trung lưu, hạ lưu và nguyên tắc thiết kế không gian mang đặc trưng và hiện trạng mỗi vùng, phát huy tối đa giá trị dòng sông.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình cho biết, thành phố mong muốn xây dựng tuyến đường chạy dọc sông Sài Gòn từ khu vực trung tâm đến huyện Củ Chi nhằm khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn nét đẹp sông Sài Gòn. UBND thành phố cũng đã phê duyệt đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020-2045”. Theo đó, khu vực bờ Đông từ cầu Sài Gòn đến cầu đảo Kim Cương và bờ Tây từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận sẽ được ưu tiên thực hiện trước.