Vĩnh Phúc khai thác thế mạnh du lịch MICE

Du lịch - Ngày đăng : 19:06, 17/03/2022

(HNMO) - Trong hai ngày 17 và 18-3, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức chương trình khảo sát, tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch MICE Vĩnh Phúc.

Tọa đàm thu hút hơn 100 đại biểu đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ trên địa bàn tỉnh và các thành viên của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội. 

 Quang cảnh tọa đàm.

Tại tọa đàm, ông Bùi Hồng Đô, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Với những giá trị nổi bật của cảnh quan thiên nhiên, lịch sử, văn hóa cùng sự thân thiện của người dân, những năm qua, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển đột phá, đặc biệt là loại hình du lịch MICE.

Với sự cởi mở, thông thoáng trong các chính sách thu hút đầu tư, nhiều công trình hạ tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế được hình thành và phát triển như: Flamingo Đại Lải resort, FLC Vĩnh Phúc resort, Sông Hồng resort, khách sạn Dic Star, khách sạn Westlake, hệ thống khách sạn - nhà hàng - sân golf của Công ty Lạc Hồng, sân golf Tam Đảo, sân golf Đầm Vạc, sân golf Thanh Lanh… Trên địa bàn tỉnh hiện có 517 cơ sở lưu trú du lịch với 8.697 buồng.

Vĩnh Phúc xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, do đó, những năm qua, tỉnh đã tăng cường đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, mạng lưới giao thông, công nghệ thông tin và diện mạo cảnh quan nhằm thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Du lịch MICE cũng được Vĩnh Phúc xác định là một trong 4 trụ cột chính, cùng với các loại hình du lịch văn hóa, thể thao và sinh thái. 

Để phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch, các doanh nghiệp du lịch, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ mới trên cơ sở phát huy thế mạnh của địa phương; tăng cường kết nối điểm đến và chuỗi cung ứng dịch vụ của các địa phương thành các sản phẩm du lịch an toàn, có chất lượng, giá cả hợp lý.

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng ưu tiên các dự án đầu tư du lịch, tập trung phát triển các loại hình du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh, xây dựng tỉnh thành một trong những vị trí chiến lược trong mạng lưới du lịch của cả nước và khu vực.

Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đã đóng góp nhiều ý kiến nhằm góp phần phát triển du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian tới, trong đó chú trọng đến việc phát triển các sản phẩm đặc thù; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá nhằm lan tỏa thương hiệu địa phương; tăng cường kết nối về thời gian, không gian, sự kiện với các tổ chức, địa phương trên cả nước để thu hút khách; đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ, lưu trú để kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đặc biệt là đối tượng khách MICE...

 Đoàn famtrip tham quan, khảo sát dịch vụ tại Flamingo Đại Lải resort.

* Trong hai ngày 17 và 18-3, 70 doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ của Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cùng các cơ quan truyền thông, báo chí trung ương, địa phương tham dự chương trình famtrip “Hành trình kết nối đến với Vĩnh Phúc 2022”, tìm hiểu các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và các sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh.

Linh Tâm