Khi nhà báo vẽ

Văn hóa - Ngày đăng : 15:56, 17/03/2022

(HNMCT) - Nhân dịp sinh nhật lần thứ 68, cây phóng sự Huỳnh Dũng Nhân đã mở triển lãm “Nhà báo vẽ” tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, nhận được sự quan tâm của công chúng. Qua sự kiện này, mọi người có thể thấy được năng lực của ông, không chỉ thể hiện qua sự nghiệp viết văn, làm báo mà còn ở lĩnh vực hội họa.

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân khi còn trẻ.

Một nhà báo đa tài

“Nhà báo vẽ” diễn ra từ ngày 3 đến 15-3. “Lần đầu tiên chúng tôi tổ chức một triển lãm độc lập gồm các tác phẩm tranh của một nhà báo” - nhà báo Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ.

Cơ duyên hội họa đến với “vua phóng sự” Huỳnh Dũng Nhân một cách bất ngờ. Là một người thích đi, trải nghiệm và viết nhưng năm 2021, ông đã phải tạm gác lại công việc mà mình yêu thích sau một cơn tai biến. Trong hoàn cảnh ấy, lại đúng lúc đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức căng thẳng, ông phải nằm viện điều trị bệnh, chịu cảnh cách ly. Từ đó, khoảng 400 bức tranh chân dung vẽ Bác Hồ, những nhà báo tiền bối (nhà báo Phan Quang, nhà báo Hữu Thọ, nhà báo Hà Minh Huệ...), nhiều đồng nghiệp (nhà báo Lê Quốc Minh, nhà báo Trần Thị Sánh...) và một số người nổi tiếng (huấn luyện viên Park Hang Seo, ca sĩ Phi Nhung...) đã ra đời. Đây là kết quả của chương trình hành động “Cách ly dịch nhưng không cách ly bút” mà tác giả đã thực hiện trong suốt nhiều tháng qua. Bên cạnh đó, thời gian nằm trị bệnh của nhà báo không hề vô nghĩa khi nhiều bức áp phích tuyên truyền chống dịch đã ra đời, được một số báo đài, tạp chí giới thiệu và in trên trang bìa. Giữa năm 2021, nhà thiết kế Minh Hạnh đã đem những họa tiết đáng quý ấy thể hiện trên tà áo dài Việt Nam một cách đặc sắc.

Không phải là người vẽ tranh chuyên nghiệp, song tranh của Huỳnh Dũng Nhân được nhiều người yêu thích và đánh giá cao bởi phong cách phóng khoáng, đậm tính thời sự; đồng thời toát nên niềm lạc quan, tinh thần yêu thương và bản lĩnh của một nhà báo trong hoàn cảnh khó khăn, đầy thử thách. Nhận xét về tranh Huỳnh Dũng Nhân, NSND Hà Bắc cho rằng: “Từ trong cách vẽ đến cách nhìn, tranh của anh Nhân toát lên vẻ tự tại và tự tin. Bố cục trong tranh anh thật sự lạ và phần màu rất trong trẻo. Đặc biệt, những bức tranh chân dung của anh luôn thể hiện được thần thái và điều đó đã làm nên thành công trong lĩnh vực hội họa của anh”.

Các tác phẩm chân dung và áp phích cổ động tuyên truyền của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân được trưng bày tại triển lãm.

Tấm gương về nghị lực sống

Trong buổi khai mạc triển lãm, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã phát biểu về quyết định quan trọng và đặc biệt “liều” này của ông. Ông cho biết: “Với quyết tâm chiến thắng đại dịch, quyết tâm thực hiện ước mơ được vẽ, tôi quyết định chọn ngày sinh nhật của mình để khai mạc buổi triển lãm. Đây cũng là điều tôi muốn chia sẻ với anh chị em và các đồng nghiệp tại Hà Nội, bởi Hà Nội là nơi tôi lớn lên và học tập từ thời niên thiếu, có nhiều kỷ niệm và hôm nay chính là một kỷ niệm sâu sắc hơn nữa”.

Mặc dù triển lãm nhận được sự tán thưởng của người xem, song khi được hỏi về việc có quyết định vẽ tranh hay không nếu như không bị bệnh và việc phải cách ly không xảy ra, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ thật lòng: “Chắc chắn là không! Bởi vì ta đang được tung vẫy ngoài đường thì ta cứ đi, tại sao phải ngồi ở nhà làm gì. Tôi có quỹ thời gian nhiều, nên chọn cách vẽ là tốt nhất... Thay vì ngồi than thở, nằm chờ chết, thì ta phải biến nó thành cái tích cực. Thế mới nói trong nguy có cơ!”.

Với Huỳnh Dũng Nhân, nếu viết văn là hư cấu, làm báo phải trung thực thì vẽ cần nhiều sự bay bổng hơn bao giờ hết. Là người viết văn, làm báo, vẽ tranh, ông chỉ ra điểm chung thú vị ở cả ba nghề đó chính là sự sáng tạo - điều luôn tuôn trào trong suốt cuộc sống và làm nghề của ông. Để giờ đây, ở tuổi 68 và sức khỏe dần suy yếu, cây bút phóng sự đình đám năm nào vẫn luôn suy nghĩ lạc quan, hành động tích cực và cống hiến hết mình cho đời. Nghị lực mạnh mẽ, cảm hứng sáng tạo lớn lao từ ông đã “truyền lửa” tới nhiều thế hệ, như nhà báo Nguyễn Thu Sâm (công tác tại báo Văn hóa) đã tâm sự: “Với tôi, anh không chỉ là nhà báo mà tôi ngưỡng mộ về nghiệp vụ, mà còn là tấm gương về nghị lực sống để tôi noi theo”.

Bài và ảnh: Trang Trần