Đi trước một bước
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:10, 19/03/2022
Đối với hạ tầng viễn thông, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh thời gian qua. Cả nước đã có 19,6 triệu thuê bao băng rộng cố định, trong khi đó số thuê bao 3G và 4G vượt trên 70 triệu. Tỷ lệ thuê bao sử dụng điện thoại thông minh trên tổng số thuê bao điện thoại di động liên tục tăng, từ 59% năm 2018 lên 65% năm 2019 và đến hết năm 2021 là 75%. Cùng với đó, tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình năm 2021 đã đạt 65%, tăng 10% so với năm 2020. Đặc biệt, từ giữa năm 2021, dịch vụ 5G đã được cấp phép thử nghiệm tại 16 tỉnh, thành phố, với 300 trạm phát sóng.
Về hạ tầng dữ liệu, dữ liệu số đã được xác định tầm quan trọng. Các kho dữ liệu đang được gấp rút xây dựng, với sự tập trung, liên thông, kết nối giữa các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã ban hành danh mục các thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành, với 38 nội dung, phân theo 7 nhóm như kinh tế tổng hợp, kinh tế ngành, khoa học - giáo dục - văn hóa - xã hội, doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài… Cùng với đó, hàng loạt nền tảng số do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng được đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả ở nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển nhanh và liên tục của công nghệ thông tin, hạ tầng số cũng phải không ngừng phát triển với các yêu cầu ngày càng cao hơn, đi trước mở đường cho quá trình chuyển đổi số. Mục tiêu trước mắt trong năm 2022 là phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh; 75% hộ gia đình có internet cáp quang; đạt 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân…
Để thực hiện điều đó, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải tiếp tục đầu tư cho hạ tầng dịch vụ, một mặt bảo đảm sự kết nối với tiêu chuẩn ngày càng cao của quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; mặt khác dịch vụ chất lượng cao sẽ thu hút ngày càng nhiều người dân sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin, tham gia vào quá trình chuyển đổi số của quốc gia. Ở góc độ doanh nghiệp, một yêu cầu được đặt ra là phải làm chủ được công nghệ lõi, công nghệ cốt yếu, chủ động xây dựng nền tảng số, dữ liệu số phục vụ người Việt Nam, giải quyết các vấn đề của người Việt Nam.
Đồng hành với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp phát triển hạ tầng số thông qua các cơ chế, chính sách, như sớm thương mại hóa mạng 5G, ưu tiên bố trí băng tầng cho mạng 4G, 5G, thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh, kích cầu sử dụng dữ liệu. Các chính sách không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đầu tư, công nghệ, mà còn tạo ra đột phá trong xây dựng sản phẩm số của người Việt Nam; huy động nguồn lực xã hội cho phát triển hạ tầng số.
Việc chuyển đổi số quốc gia thời gian qua đã đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng, nhất là khả năng làm chủ hạ tầng số. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định chuyển đổi số là động lực của tăng trưởng kinh tế - xã hội. Trước mắt, việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 phụ thuộc không nhỏ vào kết quả chuyển đổi số. Vì vậy, phát triển hạ tầng số đi trước một bước, với sự chung tay của doanh nghiệp, cơ quan quản lý, góp phần giúp quá trình chuyển đổi số quốc gia thành công.