Thiết kế cầu Trần Hưng Đạo: Lựa chọn phương án tối ưu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 19/03/2022

(HNNN) - “Việc lựa chọn được phương án thiết kế kiến trúc tối ưu là bước rất quan trọng, hướng đến xây dựng một công trình đẹp, bền vững, phù hợp quy hoạch, hài hòa với cảnh quan đô thị, đồng thời là điểm nhấn kiến trúc đô thị của Hà Nội” - Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường chia sẻ bên lề triển lãm các phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo (tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, diễn ra từ ngày 1 đến 31-3).

Người dân tham quan triển lãm.

Mỗi phương án một phong cách ấn tượng

Từ ngày 1-3, tại Nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội đã phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức triển lãm để tham vấn ý kiến cộng đồng về kết quả thi tuyển và tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Triển lãm đã trưng bày 3 phương án được Ban tổ chức lựa chọn trao giải Nhất, Nhì, Ba và một phương án theo hình thức tuyển chọn đã được Hội đồng tuyển chọn từ trước khi tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc.

Phương án 12 (phương án được lựa chọn trao giải Nhất) có chủ đề “Sự thịnh vượng vĩnh cửu trên sông Hồng”. Theo thuyết minh của đơn vị tư vấn, cầu Trần Hưng Đạo sẽ là cầu kết nối khu vực đang phát triển mạnh mẽ ở khu vực phía Đông sông Hồng và phía nội đô lịch sử, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong sự phát triển của đô thị sông Hồng. Cây cầu có thiết kế mang biểu tượng về sự bất tận của không gian và thời gian cho Hà Nội. Một biểu tượng mới của Hà Nội bắt nguồn từ chính không gian và thời đại cây cầu được xây dựng. Thiết kế cầu là dầm, nhịp và trụ cầu xây dựng bê tông vĩnh cửu, dây văng cách điệu. Điều gây ấn tượng là hệ thống dây văng - vòm cầu được thiết kế hình rồng lượn cách điệu. Cầu chính dạng vòm thép dài 900m. Mặt cắt ngang cầu chính tại giữa nhịp rộng 40,66m, tại trụ cầu rộng 47,76m. Ở vị trí trụ cầu có bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu. Các kiến trúc sư đã tính toán phương án vừa khả thi về mặt kết cấu, hài hòa với kiến trúc, vừa dễ thi công.

Phương án số 18 (giải Nhì) có chủ đề “Hào khí Đông A - Hào khí rồng thiêng”. Cầu được thiết kế vòm thép, kết cấu mố trụ bê tông cốt thép vĩnh cửu. Chiều dài cầu chính 5 nhịp với tổng chiều dài 590m, chiều rộng mặt cầu 33m. Với phương án này, các tác giả muốn tạo nên một tuyệt tác kiến trúc chứa đựng nhiều bài học lịch sử, để mỗi người qua cầu đều nhớ đến những câu chuyện lịch sử đầy tự hào. Cầu dạng vòm được thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, tạo hiệu ứng thị giác và cảm giác khác biệt khi đi dưới 5 nhịp vòm mở ra liên tiếp, tỏa rộng trên đầu. Dáng rồng cùng với hình khối, sự phối hợp ánh sáng còn tạo cảm giác như là nhịp sóng hay nhịp sống đô thị, nghệ thuật chiếu sáng đánh lên hệ thống vòm nhấp nhô như gợi lại dáng rồng và nếu nhìn từ phía xa cũng có thể cảm nhận như dải lụa thành Thăng Long trong ký ức lịch sử.

Còn tại phương án số 7 (giải Ba), đơn vị tư vấn thiết kế cho biết, phương án thiết kế tạo ra một hàng cột thép treo với chiều cao khoảng 55m so với cao độ gốc. Những phần này chia cây cầu thành các đoạn dài 160m. Các hàng cột dáng chữ V với mặt trong là hình parabol được hạ thấp xuống cao độ khoảng 2,5m so với mặt nước… Cầu chính dạng dây văng với sơ đồ 6 nhịp, chiều dài cầu 844m, bề rộng mặt cầu 38m. Với ý nghĩa truyền tải sự liên kết, hướng tới tương lai, phương án thiết kế tìm cách sử dụng hoa văn truyền thống, cách điệu và đưa nó vào bên trong một hình thái hiện đại với công nghệ mới và vật liệu mới.

Ngoài 3 phương án đạt giải, Ban tổ chức cũng trưng bày phương án có chủ đề “Xứ Đông Dương” - phương án đã được đề xuất tuyển chọn từ giai đoạn trước khi tổ chức thi tuyển phương án kiến trúc song vấp phải nhiều quan điểm trái chiều. Ở phương án này, cầu được thiết kế là cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp. Kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp sang bờ Bắc sông Hồng. Phương án mang dáng vẻ cổ điển, gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính. Cầu có chiều dài 828m, bề rộng mặt cầu 31m.

Điểm nhấn kiến trúc đô thị Hà Nội

Từ buổi khai mạc cho đến nay, triển lãm đã thu hút đông đảo chuyên gia, nhà khoa học và người dân Thủ đô đến tham quan và cho ý kiến đóng góp đối với các phương án kiến trúc. Nhiều người dân đánh giá cao cách làm của thành phố trong việc tham vấn ý kiến cộng đồng đối với một công trình trọng điểm.

“Mỗi phương án đều có điểm nhấn kiến trúc ấn tượng. Người dân mong muốn thông qua ý kiến tham vấn, các cơ quan chức năng lựa chọn được phương án phù hợp để sau này Hà Nội có một cây cầu đẹp, xứng với tầm vóc và vị thế Thủ đô” - ông Nguyễn Văn Hùng (trú tại ngõ 6 phố Kim Đồng, quận Hoàng Mai) chia sẻ. Đánh giá cả 3 phương án đạt giải đều rất đẹp, song ông Nguyễn Minh Cừ (trú tại 25 ngõ Hàn Thuyên, quận Hai Bà Trưng) lại bỏ phiếu cho phương án “Xứ Đông Dương”. “Phương án này đẹp, hoành tráng, vừa hiện đại, vừa cổ kính, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp và văn hóa phương Đông, tương xứng với vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến” - bác Cừ nói.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn cho biết, cuộc thi tuyển phương án kiến trúc đã thu hút 12 đơn vị tham dự với 20 đồ án thiết kế. Bên cạnh yếu tố về văn hóa, thẩm mỹ, các bài thi còn cần phải đáp ứng được 2 điều kiện: Thứ nhất, về cấu trúc giao thông, cầu phải có được thiết kế vận dụng hợp với thực tiễn, có chức năng giảm tải cho các cây cầu hiện có, tạo sự kết nối với trung tâm thành phố, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Bắc sông Hồng. Thứ hai, về mặt giá thành, phương án được lựa chọn phải phù hợp với yêu cầu về tổng mức đầu tư, theo quy định của Hà Nội và nhận được sự đồng thuận của người dân Thủ đô.

Theo Ban tổ chức, cả 20 phương án dự thi đều rất chất lượng, tương đối đồng đều. Trong đó, ba phương án được chọn triển lãm có sắc thái khác nhau, đều biểu hiện được kiến trúc mới mang hơi thở thời đại; có tính văn hóa gắn kết với Hà Nội ngàn năm văn hiến. Các phương án đã bảo đảm rất tốt tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình xây dựng, giá thành hợp lý. Hội đồng đã chấm rất kỹ, tuyển chọn những phương án toàn diện nhất để người dân tham quan và cùng cho ý kiến.

Theo Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội Nguyễn Chí Cường, cầu Trần Hưng Đạo vượt sông Hồng là công trình công cộng quy mô lớn, kết nối đô thị trung tâm với khu vực phát triển mới phía Đông Bắc Thủ đô, không chỉ giải quyết nhu cầu về giao thông mà còn là công trình có ý nghĩa văn hóa điểm nhấn trong khu vực lõi đô thị của Hà Nội. Vì vậy, để tìm ra phương án thiết kế kiến trúc phù hợp nhất, được người dân đồng tình ủng hộ cao nhất, UBND thành phố Hà Nội đã giao Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức thi tuyển rộng rãi phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo. Từ kết quả triển lãm, lấy ý kiến người dân, Ban cùng các cơ quan liên quan sẽ tổng hợp, báo cáo UBND thành phố Hà Nội quyết định phương án phù hợp nhất. “Việc lựa chọn được phương án thiết kế kiến trúc tối ưu nhất là bước rất quan trọng trong quá trình triển khai dự án, hướng đến xây dựng một công trình đẹp, bền vững, phù hợp quy hoạch, hài hòa với cảnh quan đô thị, đồng thời là điểm nhấn kiến trúc đô thị của Hà Nội - Thành phố vì hòa bình, sáng tạo, văn minh, văn hiến” - ông Nguyễn Chí Cường nhấn mạnh.

Bài và ảnh: Tuấn Lương