Những đặc sản độc đáo của Ninh Bình
Du lịch - Ngày đăng : 05:00, 20/03/2022
Bánh đúc Báo Bản
Là đặc sản không thể thiếu trong Lễ hội Báo Bản của làng Nộn Khê (xã Yên Từ, huyện Yên Mô), diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hằng năm. Đặc sắc nhất trong Lễ hội Báo Bản là phiên chợ đêm 12, 13 tháng Giêng với nhiều món ăn dân dã, trong đó có bánh đúc Báo Bản.
Để làm món này, người ta phải chọn loại gạo ngon, ngâm trong 10 - 12 tiếng rồi xay thành bột, trộn với nước vôi tôi để tạo độ giòn, dai và bắc lên bếp, quấy liên tục để bột chín đều. Sau khi bột nguội, người ta dàn ra mẹt đã lót sẵn lá chuối, rắc lạc rang đã bỏ vỏ lên trên. Khi bánh cứng lại và chuyển sang màu trắng đục thì dùng thanh tre già cắt bột thành những miếng nhỏ, xếp đều lên đĩa. Bánh đúc Báo Bản thường được thưởng thức cùng tương Bần, làm dậy lên hương vị đồng quê mộc mạc.
Canh cua rau dâm bụt
Một món ăn dân dã phổ biến của người Việt vào mùa hè là canh cua nấu với rau đay, rau mồng tơi, rau rút…, song canh cua nấu với rau dâm bụt thì có lẽ chỉ có ở Ninh Bình. Cách chế biến món này cũng tương tự như khi nấu canh cua rau đay, mồng tơi. Đầu tiên, người ta nhặt rau dâm bụt với lá xanh non được chọn kỹ, đem rửa sạch và thái nhỏ. Sau khi giã cua đồng và lọc qua nước, người ta cho thêm chút gạch cua đã được phi thơm với hành và đun lửa vừa phải. Khi canh sôi, rau dâm bụt được cho vào nấu chín. Món canh cua rau dâm bụt có vị thơm, ngọt. Khi thưởng thức, rau tan ngay nơi đầu lưỡi, cho cảm giác thanh mát đặc biệt. Canh cua rau dâm bụt thường được ăn cùng cơm và cà pháo, giúp giải nhiệt.
Cá trèo đồi
Cá trèo đồi (hay cá tràu) là loài cá có khả năng trườn trên đá, thường sinh sống trong khe núi và vùng hang động ngập nước thuộc các xã Ninh Hải, Trường Yên (huyện Hoa Lư). Vào mùa đông, chúng thường đào hang sâu để sinh sống và ngủ suốt 3 tháng, phải đến mùa mưa mới xuất hiện trở lại. Đây là loài cá quý hiếm, thịt ngọt, thơm, săn chắc nên xưa kia là đặc sản tiến vua.
Có nhiều món ăn ngon được chế biến từ cá tràu, nhưng đặc sắc nhất là canh rau sắng cá tràu. Rau sắng là loại rau ngót rừng, thường mọc tự nhiên trên vách núi đá vôi, có vị ngọt, thơm khác biệt. Khi nấu canh rau sắng cá tràu, người ta chỉ sử dụng phần đọt thân, lá non và hoa. Cá tràu được chế biến cẩn thận nên khi nấu cùng rau sắng không bị tanh mà dậy mùi thơm đặc trưng và vị ngọt tự nhiên, mang lại hương vị hòa quyện, hấp dẫn.