Soi đời trong ''Sóng trần gian''
Sách - Ngày đăng : 06:05, 20/03/2022
Hà Huy Hoàng viết nhiều thể thơ, nhưng sở trường là lục bát. Với nhiều nhà thơ ở đất Cẩm Thành quê anh, thơ lục bát Hà Huy Hoàng được xếp vào hạng nhất, nhì. Còn chính anh thì từng tâm sự bằng thơ trong thi phẩm “Không đề” rằng: “Ước viết được dăm bài thơ tự do/ Để thấy mình khang khác...”. Và sự khang khác ấy lại làm nên những vần thơ 5 chữ “rinh” về cho anh giải Nhì cuộc thi thơ năm chữ của tập san Áo trắng năm 2003. Đó là một bài thơ giản dị tưởng nhớ người mẹ kính yêu, kể rằng mỗi ngày rằm xưa mẹ cúng hoa cúng quả khấn Phật khấn Trời, để đến khi thụ lộc: “Xong, Mẹ chia con cháu/ Phần Mẹ đĩa trầu cay”. Câu thơ vừa thực lại vừa ẩn dụ về vòng tay thương yêu của mẹ, để nay: “Giờ Mẹ không còn nữa!/ Rằm con qua hàng trầu/ Rằm con qua hàng quả/ Thêm một lần buốt đau…”.
Thơ Hà Huy Hoàng nhiều nỗi suy tư, từ hoài niệm trong tình yêu, suy ngẫm về tình bạn, về gia đình, anh đều chiêm nghiệm, trăn trở về đời mình. Với gia đình, anh thường nghĩ về mẹ, là “Buổi trưa, trong khu vườn nhà Mẹ”, “Giờ mua bán - nhớ Mẹ hồi bán mua”, “Trước bàn thờ Mẹ”, “Thăm Mẹ”, “Xuân xưa”, “Những ngày sắp tới”, “Trưa - chiều ngóng mẹ”, “Khoảng trời ngày xưa”... Đâu đâu cũng những dòng nhớ thương người phụ nữ đã sinh ra mình: “Đêm ngồi thao thức cùng quê/ Nỗi thương sao cứ ùa về thiết tha/ Nơi này mẹ đã sinh ta/ Tuổi thơ lớn dưới gốc đa đầu làng… (“Với quê”).
Thương mẹ, “bắt chước” mẹ thương con. Con là đề tài lớn thứ hai trong mảng thơ về gia đình của Hà Huy Hoàng. Anh trăn trở: “Sau mỗi lần quát tháo các con/ Lại thêm lần lòng cha day dứt/ Hẳn các con nhìn cha với ánh nhìn ngờ vực (?):/ “Không biết cha của mình có thật sự yêu thương...?”. Dành hết ngọt bùi cho con như mẹ đã từng, Hà Huy Hoàng càng ngậm ngùi ngẫm đời mình và hiểu thêm đời mẹ: “Nuôi con - (năm đứa mà thôi!)/ Bở hơi tai, mặt lắm hồi... nhá nhem/ Đồng tiền chả biết “đẻ” thêm/ Cứ hao khuyết, cứ hom hem đồng tiền.../ Thảo nào Mẹ - nợ triền miên...”.
Thơ Hà Huy Hoàng nhiều nỗi ưu tư về con người, về tình yêu, về cuộc đời, và cả về thi ca. Anh quan niệm, trong văn chương, luôn cố gắng hết mình để đổi mới là điều cực kỳ cần thiết. Nhưng, dù cách tân đổi mới gì đi nữa mà không đánh thức được cảm xúc, hoặc không đau nỗi đau tận cùng dâu bể, những bất hạnh của kiếp người, của muôn vật muôn loài thì tất cả những nỗ lực kia cũng bằng thừa, thậm chí bị phản tác dụng. Sống chân chất giữa “sóng trần gian vô hồi”, Hà Huy Hoàng chiêm nghiệm được nhiều thứ. Anh thấy mình: “Ngác ngơ cơn lốc thị trường/ Ta như đứa trẻ lạc đường phố đông…/ Lốc lên, gió cuốn bụi mù/ Ta - hàng quá hạn giữa khu chợ đời” (“Tản mạn thị trường”). Nhưng dẫu cả khi cuộc đời đãi bôi, anh không oán thán. Anh vẫn nhủ: “Dẫu không nhặt được... “vàng mười”/ Cũng xin đa tạ Cõi Người và Thơ!” (“Tự bạch”). Bởi anh sống hết lòng với thơ. Và mang ơn kiếp sống của mình...