Nỗ lực bổ sung lực lượng y tế học đường
Giáo dục - Ngày đăng : 07:40, 21/03/2022
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong tổng số 2.339 cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố hiện có tới 2.293 đơn vị có bố trí người phụ trách công tác y tế trường học. Tuy vậy, hiện chỉ có 1.300 trường có nhân viên y tế học đường có chuyên môn theo quy định của Bộ Y tế là trình độ từ trung cấp y sĩ trở lên; còn lại là kiêm nhiệm vị trí này. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; một số bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, tay chân miệng... sắp vào mùa cao điểm, việc thiếu vắng nhân viên y tế học đường làm nhiều đơn vị, địa phương lo lắng.
Đơn cử, năm 2022, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) cần tuyển bổ sung 88 nhân viên y tế. Tuy nhiên, số người ứng tuyển rất ít. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Thủ Đức Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên cho hay, khối lượng và áp lực công việc của nhân viên y tế trường học không kém gì các bác sĩ làm việc tại trung tâm y tế, bệnh viện, nhưng thu nhập của họ lại rất thấp, chế độ đãi ngộ hạn chế, nên khó thu hút người làm việc. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại quận 8. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân, để giữ chân nhân viên y tế đang làm việc, một số trường tạo điều kiện cho lực lượng này tăng thu nhập từ việc tham gia hỗ trợ thêm việc thu ngân, phục vụ bán trú… Tuy nhiên, về lâu về dài, để đội ngũ này yên tâm công tác, nâng cao chuyên môn, gắn bó lâu dài với trường, tận tụy chăm lo sức khỏe cho học sinh thì cần có chính sách bảo đảm về đời sống.
Bác sĩ Nguyễn Đức Tài, phụ trách y tế tại Trường Tiểu học Thực hành Sài Gòn (quận 1), chia sẻ: "Nhà trường hiện có 300 học sinh. Những ngày qua, có ngày phát hiện 10-20 ca F0, kèm theo đó là các F1. Tôi phải vừa lo xét nghiệm, bố trí cách ly F0, F1, vừa phải lo cập nhật thông tin bệnh nhi lên hệ thống của Sở Y tế thành phố. Công việc khá vất vả. Ngoài ra, nhân viên y tế học đường còn đảm trách việc phổ biến kiến thức, tư vấn dinh dưỡng và sức khỏe cho học sinh...". Còn tại Trường Trung học phổ thông Ten Lơ Man (quận 1), Phó Hiệu trưởng nhà trường Trần Thị Thơm cho biết: "Công việc của nhân viên y tế rất quan trọng và khá bận rộn, nhưng mức thu nhập chưa tương xứng, chưa làm yên lòng người lao động".
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 Dương Văn Dân, để thu hút được nhân lực tốt cho vị trí y tế học đường, thành phố cần có cơ chế, chính sách để các cơ sở giáo dục chưa có nhân viên chuyên trách có thể ký hợp đồng tạm thời (6 tháng) với y tế cơ sở, y tế tư nhân hoặc người có trình độ chuyên môn y khoa để thực hiện nhiệm vụ thường trực phòng, chống dịch tại cơ sở giáo dục. Đặc biệt, cần có chính sách đãi ngộ thật tốt thì mới có thể giải bài toán việc thiếu và khó tuyển nhân viên y tế học đường hiện nay.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, việc thiếu nhân viên y tế học đường khiến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong nhà trường gặp khó khăn khi ở nhiều đơn vị, giáo viên vừa phải làm chuyên môn, vừa đảm nhiệm nhân viên y tế. Sở đã đề nghị HĐND thành phố Hồ Chí Minh quan tâm và phê duyệt chế độ, chính sách cho đối tượng là giáo viên phụ trách công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học nhằm tăng cường lực lượng phục vục công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe học sinh.
Còn Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng thông tin, Sở Y tế sẽ phối hợp cùng Sở Giáo dục và Đào tạo để có những đề xuất với UBND thành phố nhằm bảo đảm số lượng nhân viên y tế học đường trong các trường học. Bên cạnh đó, thời gian tới, các trường đại học sẽ hỗ trợ đào tạo lại, nâng cao chất lượng chuyên môn cho nhân viên y tế học đường tại các trường để có thể hoạt động hiệu quả hơn.