Quý I-2022, TKV dự kiến sản xuất được hơn 10 triệu tấn than
Kinh tế - Ngày đăng : 16:48, 21/03/2022
Than nhập khẩu là 325 nghìn tấn, đạt 6,9% kế hoạch năm. Than tiêu thụ dự kiến 11,46 triệu tấn, bằng 26,66% kế hoạch, bằng 119% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, tiêu thụ trong nước đạt 11,2 triệu tấn, đạt 27,2% kế hoạch năm và bằng 106% so với cùng kỳ năm 2021; xuất khẩu 265 nghìn tấn, bằng 14,72% kế hoạch và bằng 112,9% so với cùng kỳ 2021.
TKV cũng cho biết, đến hết ngày 14-3, than tiêu thụ cho các nhà máy điện là 6.342 nghìn tấn, bằng 17,15% sản lượng theo hợp đồng. Dự kiến, quý I-2022, khối lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 8.505 nghìn tấn, trong khi các nhà máy nhiệt điện đăng ký nhu cầu là 9.737 nghìn tấn.
Nguyên nhân của việc cấp than quý I-2022 không đạt tiến độ hợp đồng, theo TKV, việc đảm bảo sản lượng than cấp cho các nhà máy nhiệt điện theo kế hoạch năm 2022 là 35 triệu tấn, phụ thuộc rất nhiều vào khối lượng, chất lượng than nhập khẩu theo kế hoạch. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm nay, TKV mới chỉ nhận được 325 nghìn tấn nên sản lượng than pha trộn nhập khẩu cấp cho các nhà máy nhiệt điện quý I-2022 khoảng 1,1 triệu tấn, bằng 7,8% kế hoạch năm, giảm khoảng 2,4 triệu tấn so với kế hoạch cấp than phối trộn nhập khẩu quý I-2022.
Mặc dù TKV và các đơn vị đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng sản lượng than sạch sản xuất trong nước, nhưng không bù đắp được khối lượng than phối trộn nhập khẩu bị thiếu. Tập đoàn dự kiến thời gian tới, tỷ lệ lao động phải nghỉ việc do nhiễm bệnh vẫn ở mức cao mà không có nguồn thay thế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng với đó là căng thẳng Nga - Ukraine làm giá xăng dầu, sắt thép tăng cao so với giá kế hoạch dẫn đến hiệu quả kinh doanh của TKV sẽ giảm.
Bởi vậy, để thực hiện tốt kế hoạch đặt ra, TKV đã đề ra các giải pháp cụ thể, theo đó là tiếp tục thực hiện nghiêm, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19; động viên, khuyến khích người lao động làm thêm giờ, tăng thời gian làm việc hữu ích để tăng năng suất lao động. Đẩy mạnh sản xuất than trong nước theo phương án điều hành sản lượng than khai thác 41 triệu tấn; có các giải pháp để bảo đảm nhập khẩu than theo kế hoạch đề ra, huy động tối đa than tồn kho để chế biến, pha trộn và tiêu thụ cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết.
Tập đoàn cũng báo cáo các bộ, ngành xem xét để điều chỉnh giá bán than trong nước, đặc biệt là giá bán than cho các hộ điện (sản lượng than bán cho các hộ điện chiếm trên 80% sản lượng than tiêu thụ của TKV) để bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh than của TKV trong điều kiện giá dầu, giá nguyên vật liệu tăng cao và chi phí phòng, chống dịch làm tăng giá thành sản xuất than.
TKV cũng tiếp tục đẩy mạnh khoan thăm dò, đánh giá trữ lượng than nhằm chuẩn bị cơ sở tài nguyên tin cậy cho sự phát triển ổn định, lâu dài của ngành. Tiếp tục đầu tư đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất (triển khai quyết liệt việc cơ giới hóa vào đào lò, khai thác than; sử dụng đồng bộ thiết bị công suất lớn, tiếp tục triển khai công nghệ vận tải liên hiệp ô tô - băng tải trong khai thác than lộ thiên; đầu tư các tuyến vận tải than bằng băng tải, đường sắt thay thế vận chuyển than bằng ô tô…) và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng mức độ an toàn, cải thiện môi trường và điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất, giảm giá thành và giảm lao động trực tiếp trong hầm lò.