Phát động mở lại hoạt động du lịch: Thời điểm ''vàng'' để bứt tốc
Du lịch - Ngày đăng : 19:08, 22/03/2022
Sự kiện nhằm giúp các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch đón khách an toàn, hiệu quả khi hoạt động du lịch đã mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3 trong điều kiện “bình thường mới”.
Địa phương, doanh nghiệp sẵn sàng
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, đây là thời điểm “vàng” để mở cửa du lịch, nhanh chóng phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng sau 2 năm chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc mở cửa du lịch lúc này không chỉ là khôi phục lại một ngành kinh tế, mà còn có ý nghĩa mở lại hoạt động giao thương quốc tế, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn…
Tại hội nghị, nhiều địa phương cho biết đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, sẵn sàng đón khách nội địa và quốc tế, trong đó tập trung vào mùa cao điểm 30-4 và 1-5 tới. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước, trước mắt, tỉnh đã xây dựng chuỗi 65 hoạt động kích cầu du lịch. Trong tháng 4, tỉnh sẽ đón chuyến bay đầu tiên đưa khách quốc tế xuống sân bay quốc tế Vân Đồn.
“Quảng Ninh sẵn sàng mở cửa đón khách nội địa và quốc tế với nhiều sản phẩm kết hợp du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch trải nghiệm và du lịch vùng biên giới”, ông Nguyễn Tường Văn cho hay.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Nguyễn Xuân Bình, tới đây, thành phố sẽ thực hiện một loạt sản phẩm du lịch mới và các hoạt động để kích cầu du lịch, như: Hội chợ du lịch trực tuyến; giải golf quốc tế; giải thưởng du lịch thế giới. Vào ngày 27-3 tới, Đà Nẵng sẽ đón chuyến bay quốc tế đầu tiên sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch.
Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, đã liên kết với các vùng du lịch, như: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông - Tây Bắc hình thành vùng du lịch liên kết với nhiều sản phẩm hấp dẫn.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng thông tin, các đơn vị lữ hành luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương xây dựng sản phẩm mới, với tiêu chí “bán niềm vui cho khách”.
Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn SunGroup Trần Nguyện chia sẻ, đơn vị đã phối hợp với các tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Đà Nẵng… xây dựng hệ sinh thái trải nghiệm trọn vẹn 4 mùa, thay đổi xu thế du lịch mùa vụ trước kia, gồm: Du lịch nghỉ dưỡng, du lịch biển, khu vui chơi giải trí; đưa công nghệ số vào phát triển sản phẩm du lịch.
Định vị du lịch, trải nghiệm trọn vẹn
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đặt ra nhiều vấn đề cho du lịch Việt Nam, với những thách thức cần khắc phục để có thể tạo được hiệu quả trong việc đón khách khi mở hoàn toàn hoạt động du lịch. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, để mở lại du lịch hoàn toàn là điều không đơn giản, vì chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong 2 năm qua, nên cần cơ chế mở cửa đồng bộ, toàn diện, an toàn, hiệu quả trên cả nước.
Trong khi đó, Tiến sĩ kinh tế học Trần Đình Thiên cho rằng, chính sách visa hiện nay đã thông thoáng khi Chính phủ miễn thị thực cho 13 quốc gia, nhưng thời hạn thị thực trong vòng 15 ngày còn khá “khiêm tốn”, chưa thu hút khách lưu trú dài ngày ở Việt Nam. Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cần có lộ trình chủ động hơn khi đón khách quốc tế.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định, một trong những thách thức lớn của du lịch Việt Nam là nhiều quốc gia vẫn còn áp dụng biện pháp hạn chế công dân đi lại, khiến khách Việt khó du lịch tới một số thị trường.
Bàn về giải pháp để ngành du lịch Việt Nam đạt hiệu quả đón khách khi mở cửa du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu góp ý, cần tăng cường hơn nữa liên kết vùng để giúp các đơn vị dễ dàng xây dựng sản phẩm liên tuyến hấp dẫn du khách hơn.
Còn Trưởng ban Tiếp thị, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Thị Nguyệt cho rằng, việc mở cửa du lịch cần chiến lược dài hạn. Ngoài việc khôi phục đường bay cũ, các hãng hàng không cần mở thêm những đường bay mới, kết nối các điểm du lịch Việt Nam với một số nước.
Tại hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng công bố phương án mở cửa du lịch, trong đó có những điều kiện cụ thể để đón khách quốc tế. Theo hướng dẫn mới, nhiều điều kiện đón khách đến Việt Nam đã được cởi mở, “thông thoáng” hơn, như khách du lịch chỉ cần có kết quả xét nhiệm âm tính với Covid-19, không phải cách ly. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã phát động mở cửa du lịch.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề nghị các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách, chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và phương án sẵn sàng, bảo đảm du lịch an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần tăng cường hoạt động truyền thông, quảng bá để du khách biết nhiều hơn về điểm đến Việt Nam an toàn, hấp dẫn, thân thiện; rà soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ; cải thiện, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách; tuyển dụng và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực; thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động du lịch và xây dựng sản phẩm; chủ động liên kết phát triển, làm mới sản phẩm theo xu hướng mới.
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh và Vietnam Airlines đã ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025.