Thu ngân sách - Nhiệm vụ khó, cần nỗ lực cao

Kinh tế - Ngày đăng : 06:06, 22/03/2022

(HNM) - Hai tháng đầu năm 2022, thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19 và hàng loạt tác động từ diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, trong thời gian tới, nhiệm vụ thu ngân sách là khá nặng nề. Vì vậy, đòi hỏi ngành Thuế phải triển khai nhiều giải pháp nhằm nỗ lực vượt khó, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu của năm 2022.

Người nộp thuế giao dịch tại bộ phận “một cửa” tại Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Quang

Chính sách hỗ trợ phát huy tác dụng

Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2022 do cơ quan thuế quản lý đạt 276.664 tỷ đồng, bằng 23,5% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu từ dầu thô đạt hơn 8.000 tỷ đồng, bằng 28,6% so với dự toán, bằng 157,2% so với cùng kỳ năm trước; thu nội địa đạt 268.605 tỷ đồng, bằng 23,4% so với dự toán, tăng 6,7%.

Theo Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế Nguyễn Đức Huy, có được kết quả khả quan đó là nhờ dịch Covid-19 trong nước được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh có sự hồi phục tốt. Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong tháng 1-2022 tăng 195% so với cùng kỳ năm 2021. Một số ngành có đóng góp lớn cho ngân sách đã tăng trưởng khá như: Công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất thiết bị điện; may mặc; khai thác quặng...

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 1,6%, trong đó sản phẩm trọng điểm là thủy sản tăng 42,9%, cà phê tăng 40,9%, dệt may tăng 24,2%; sức cầu tiêu dùng trong nước những tháng cuối năm 2021 và tháng 1-2022 tăng cao so với cùng kỳ năm 2021... cũng là tiền đề quan trọng đóng góp vào kết quả thu ngân sách hai tháng qua.

Về cơ chế, chính sách, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 1-12-2021 đến 31-5-2022 ước tính làm giảm thu trong 2 tháng đầu năm khoảng 4.000 tỷ đồng, song lại giúp lượng xe tiêu thụ tăng khá, gián tiếp làm tăng thu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19, như giảm thuế giá trị gia tăng ở một số ngành bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế quý III, quý IV-2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh chóng.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm giảm số tiền nợ thuế, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định. Cũng trong 2 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã thu được khoảng 4.300 tỷ đồng tiền nợ thuế, bằng 10,2% chỉ tiêu thu nợ năm 2022… 

Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 đã giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi. Trong ảnh: Sản xuất cửa tại Công ty cổ phần Eurowindow (huyện Mê Linh). Ảnh: Nguyễn Quang

Đồng bộ các giải pháp

Chuyên gia kinh tế - tài chính Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nhìn nhận, kết quả thu ngân sách trên là tín hiệu tích cực, thể hiện sự nỗ lực của ngành Thuế, đồng thời cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong nước khả quan. Tuy nhiên, thời gian tới, nhiệm vụ thu ngân sách sẽ khá nặng nề bởi hàng loạt chính sách miễn, giảm thuế được triển khai sẽ tác động làm giảm thu ngân sách. Trong khi đó, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ ngày 8-1-2022 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Chính phủ chỉ đạo chống thất thu, nợ đọng thuế, phấn đấu tăng thu ngân sách. Ngoài ra, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sức ép tăng giá và áp lực lạm phát từ những biến động trên thế giới có thể khiến sức tiêu thụ chậm lại, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ngành Thuế sẽ phải nỗ lực hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ, trong đó, quan trọng nhất là hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục, phát triển.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn, cơ quan thuế các cấp sẽ phát huy kết quả đạt được trong 2 tháng đầu năm 2022, tiếp tục triển khai thu ngân sách theo đúng kế hoạch; đồng thời, rà soát lại các nguồn thu để đăng ký mức phấn đấu tăng thu so với dự toán đã được Chính phủ, HĐND tỉnh, thành phố giao. Cùng với đó, ngành Thuế triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra nhằm giảm số tiền nợ thuế trên tổng số thu ngân sách nhà nước năm 2022, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định.

Đặc biệt, ngành Thuế tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, góp phần thúc đẩy phục hồi kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu. Ngành cũng sẽ tiếp tục tăng cường quản lý thuế đối với thương mại điện tử. Một giải pháp khác là cơ quan thuế các cấp theo dõi chặt tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế, qua đó xác định các nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả.

Về phía địa phương, lãnh đạo Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hiệu quả các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người nộp thuế, qua đó giúp ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách nhà nước. Cùng với đó là thu đúng, thu đủ các khoản thu vào ngân sách nhà nước, chú trọng giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu kết hợp với mở rộng cơ sở thu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế; kiểm soát chặt chẽ, đôn đốc kịp thời các khoản nợ đọng. 

Hương Thủy