Phòng, chống dịch bệnh thủy sản: Giám sát chặt chẽ từ vùng nuôi
Nông nghiệp - Ngày đăng : 11:48, 23/03/2022
Còn nhiều khó khăn
Ông Bạch Văn Nghị (ở xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), có 1ha nuôi trồng thủy sản, cho biết, những năm gần đây, do thời tiết diễn biến bất thường, đặc biệt là giai đoạn chuyển mùa, phát sinh dịch bệnh, cá nổi đầu chết, gây thiệt hại lớn.
Theo Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), về cơ bản, trên địa bàn cả nước, các bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi tiếp tục được kiểm soát, các bệnh nguy hiểm, bệnh mới nổi không xâm nhập... Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến nay, bệnh hoại tử gan tụy cấp trên tôm đã xảy ra tại 8 xã của 3 tỉnh, thành phố với diện tích 16ha; bệnh đốm trắng xảy ra tại 12 xã của 3 tỉnh, thành phố với tổng diện tích nuôi tôm bị bệnh hơn 22ha...
Về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, diễn biến thời tiết cực đoan, tiêu cực, khó dự báo tiếp tục diễn ra tại nhiều vùng nuôi, gây thiệt hại cho nuôi trồng thủy sản và thường trực nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Nhiều địa phương trọng điểm về nuôi trồng thủy sản không bố trí kinh phí hoặc bố trí không đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản; chưa tăng cường giám sát chủ động, tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm xác định nguyên nhân gây thiệt hại tại một số vùng nuôi tôm; công tác xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh đối với các cơ sở sản xuất động vật thủy sản sử dụng làm giống (đặc biệt là cơ sở giống tôm nước lợ) chưa được địa phương và cơ sở nuôi quan tâm đúng mức; hệ thống thú y thủy sản chưa đồng bộ (một số tỉnh, thành phố: An Giang, Hà Nội... chưa chuyển giao công tác thú y thủy sản cho ngành thú y quản lý).
Cũng về vấn đề này, theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn, hiện nay, hầu hết vùng nuôi trồng thủy sản tập trung đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế hoạt động sản xuất. Trong khi đó, những tác nhân gây bệnh nguy hiểm vẫn lưu hành tại một số vùng nuôi; một số hộ dân chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản...
Tập trung nuôi trồng theo hướng an toàn
Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, tình hình dịch bệnh thủy sản diễn biến phức tạp do dịch Covid-19 tác động xấu đến việc tổ chức sản xuất, triển khai biện pháp phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Để phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản hiệu quả, ông Phạm Văn Ân (ở xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa) cho rằng, trước khi nuôi mới, trang trại cần tiến hành tổng vệ sinh tiêu độc, rắc vôi bột khu vực ao nuôi; nhập con giống tại những cơ sở có uy tín; thả nuôi theo hướng an toàn...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường, từ nay đến cuối năm 2022, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình điểm về nuôi trồng thủy sản, phát triển chuỗi sản xuất an toàn; thường xuyên giám sát, kiểm tra tồn dư hóa chất độc hại đối với thức ăn thủy sản trong các khâu nuôi trồng, sơ chế, chế biến, bảo quản và kinh doanh sản phẩm thủy sản trên thị trường. Hà Nội tiếp tục có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn...
Còn theo ông Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y, để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, Cục Thú y đề nghị các địa phương tập trung đôn đốc, hướng dẫn tổ chức triển khai "Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021-2030". Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần tập trung theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh thủy sản, đặc biệt là dịch bệnh trên đối tượng nuôi chủ lực (tôm, cá tra...), đối tượng thủy sản nuôi có giá trị kinh tế cao (tôm hùm, cá nước lạnh...), thủy sản truyền thống nuôi phổ biến (cá biển, cá nước ngọt, nhuyễn thể...) để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiệt hại.
Để hỗ trợ lĩnh vực này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới, Bộ tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản tại một số vùng nuôi, bảo đảm mục tiêu sản xuất nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch. Tuy nhiên, các địa phương cần chú trọng tổ chức giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản, đồng thời xúc tiến thương mại, tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh...