Bảo đảm lợi ích chung
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:03, 24/03/2022
Tuy nhiên, so với yêu cầu đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, việc phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt 56,8%. Một phần, do các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ chưa đủ mạnh, thiếu hấp dẫn nhà đầu tư; còn độ vênh giữa quy định và thực tiễn; nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho vay nhà ở xã hội hạn chế... Mặt khác, tại nhiều địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội; chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội... Đặc biệt, hơn 2 năm qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến tiến độ triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội bị ảnh hưởng rất lớn.
Nguồn cung về nhà ở không đủ khiến những người thu nhập thấp, nhất là công nhân, lao động làm việc ở các khu công nghiệp phải thuê trọ. Khi dịch Covid-19 bùng phát, đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, không đủ tiền để thuê nhà ở nên phải trở về quê, dẫn đến việc các khu công nghiệp thiếu lao động, làm chậm đà phục hồi, tăng trưởng kinh tế và tạo ra những di biến động lớn trong đời sống xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Do đó, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần triển khai thực hiện tốt Quyết định số 2161/QĐ-TTg ngày 22-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thêm nữa, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thành việc rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách bảo đảm tính khả thi và đủ hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực này. Thực tế cho thấy, trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm nào, để thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư, phải cho họ thấy được sức hấp dẫn của lĩnh vực đó, tức là lợi nhuận mà doanh nghiệp có thể đạt được... Bên cạnh đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những địa phương không thực hiện đúng pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân...
Trong khi chờ các giải pháp tổng thể, các địa phương cần dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân; khuyến khích các thành phần kinh tế sử dụng vốn chủ sở hữu, vốn vay ngân hàng và nguồn vốn huy động hợp pháp để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...
Về phía chủ đầu tư nhà ở xã hội, cần nỗ lực cao nhất để thực hiện dự án bảo đảm chất lượng, cung cấp những căn hộ an toàn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.
Muốn phát triển nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau, tất yếu phải thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân, người thu nhập thấp. Nhiệm vụ này sẽ đạt được mục tiêu đề ra khi bảo đảm hài hòa, hợp lý lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.