Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Đời sống - Ngày đăng : 12:17, 24/03/2022
Tham dự Đoàn giám sát có Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai; các đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các sở, ban, ngành của thành phố.
Tiết kiệm 27 tỷ đồng qua đấu thầu, lựa chọn nhà thầu
Báo cáo với Đoàn giám sát, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Bùi Tuấn Anh cho biết, thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, UBND quận quan tâm chỉ đạo thực hiện với hệ thống văn bản triển khai đồng bộ. Trong giai đoạn 2016-2021, quận đã triển khai thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản nhà nước, tài nguyên đất đai và quản lý, sử dụng lao động, thời gian lao động.
Công tác sắp xếp, tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập được UBND quận Cầu Giấy kiện toàn, sắp xếp từ 12 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 5 đơn vị. Quận cũng đã chủ động nghiên cứu và xây dựng đề án sử dụng tài sản công của 6 đơn vị sự nghiệp công lập chưa sử dụng hết công suất vào mục đích cho thuê theo quy định tại Điều 57 Luật Quản lý sử dụng tài sản công.
Theo đó, giai đoạn 2016-2021, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng (vốn ngân sách) quận tiết kiệm được 27 tỷ đồng thông qua hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu; tiết kiệm 1,7 tỷ đồng qua kiểm tra giám sát và đánh giá đấu thầu theo quy định; cắt giảm được 70% kinh phí hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tổ chức đoàn đi nước ngoài đào tạo, bồi dưỡng…
Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả tích cực, việc triển khai xây dựng kế hoạch mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí của một số đơn vị trên địa bàn còn chưa cụ thể và chi tiết theo nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị. Việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm, chống lãng phí tại một số đơn vị còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao trong chi mua sắm, sử dụng tài sản Nhà nước. Việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ hiện chưa hợp lý; mức giao thấp hơn nhiều so với nhu cầu của các đơn vị (đặc biệt là các trường học). Chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức dù đã được cải thiện, song còn rất thấp chưa động viên khuyến khích người có năng lực, trình độ chuyên môn và kỹ năng giải quyết công việc gắn bó với bộ máy quản lý nhà nước. Công tác kiểm tra, báo cáo tuy được quan tâm chỉ đạo, nhắc nhở thường xuyên nhưng chưa bảo đảm tiến độ, thời gian theo quy định.
Tại buổi giám sát, thành viên đoàn giám sát quan tâm, đề nghị quận làm rõ về các nội dung: Việc ban hành chương trình, kế hoạch, chỉ tiêu, công tác kiểm tra của từng nội bộ và công tác kiểm tra của cấp trên, qua kiểm tra có phát hiện được vi phạm hay không và xử lý như thế nào; việc thực hiện các dự án chậm triển khai, đặc biệt là những dự án đã bàn giao đất nhưng chưa đưa vào sử dụng. Đối với chỉ tiêu cụ thể trong đầu tư công, phấn đấu tiết kiệm 10-15% tổng mức đầu tư dự án, đại biểu đề nghị quận thông tin về thực hiện chỉ tiêu này như thế nào, ở mức nào, tiết kiệm ở khâu nào.
Ngoài ra, đại biểu cũng quan tâm, đề nghị quận thông tin về tiết kiệm trong quá trình triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị; việc đánh giá, chống thất thu thuế và ứng dụng công nghệ thông tin trong kê khai thuế và sử dụng hóa đơn điện tử, nợ đọng thuế phí, tiền sử dụng tiền thuê đất của quận.
Thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về đầu tư công, mua sắm công
Kết luận buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, việc thực hiện quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Hà Nội được thực hiện rất trách nhiệm. Trong các nhiệm kỳ đại hội, Thành ủy Hà Nội đều có chương trình riêng về công tác này, UBND thành phố cũng triển khai công việc cụ thể liên quan đến tất cả các lĩnh vực và HĐND thành phố thực hiện nhiều cuộc giám sát về các dự án chậm triển khai…
Đối với quận Cầu Giấy, Trưởng đoàn giám sát ghi nhận giai đoạn 2016-2021, quận đã ban hành các văn bản về công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Công tác tuyên truyền, phổ biến về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến cán bộ, công chức, viên chức được UBND quận thực hiện thường xuyên thông qua các cuộc tổ chức học tập chuyên đề, hội nghị, tập huấn, giao ban…
Công tác thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận các năm 2016, 2017, 2020, 2021 hoàn thành vượt dự toán được giao; chi ngân sách nhà nước đều bảo đảm so dự toán được giao. Công tác lập thẩm định, phê duyệt, giao thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025 bảo đảm đúng quy định hiện hành. Đặc biệt, quận đã chủ động cắt giảm những hoạt động không cần thiết, lồng ghép những hoạt động có liên quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc.
Đồng tình với những hạn chế, tồn tại của quận, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận Cầu Giấy rà soát, có các giải pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của cấp ủy, đến giám sát, chất vấn của HĐND quận. Từ đó, làm sâu sắc thêm việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cả hệ thống từ quận tới cơ sở.
Lưu ý một số nội dung quận cần triển khai trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận Cầu Giấy xác định việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ rất quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, do đó, quận cần có cách làm khoa học, hiệu quả, cách làm sáng tạo. Trong đó, phải tiết kiệm, chống lãng phí từ những việc nhỏ nhất, kết hợp tuyên truyền sâu rộng, vận động toàn thể cán bộ, nhân dân cùng thực hiện. Đồng thời, quận cần lan tỏa, xác định rõ việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được thực hiện hàng đầu trong toàn bộ hệ thống chính trị, cơ quan, đơn vị các cấp, đặc biệt là nêu cao vai trò của người đứng đầu.
Nhấn mạnh kiểm tra, giám sát, thanh tra rất quan trọng để đánh giá công tác này, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị quận quan điểm là phải xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có vi phạm, đồng thời, chỉ rõ những nơi làm tốt, chưa tốt để có khen thưởng, phê bình kịp thời. “Muốn đánh giá được phải có chỉ tiêu cụ thể trong kế hoạch, có chuyên đề thi đua về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, để có những mô hình hiệu quả, lan tỏa rộng rãi; đồng thời, nghiên cứu xây dựng tiêu chí, bộ công cụ để đánh giá hiệu quả công tác này”, đồng chí Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.