Công tác xã hội - Nghề mang lại giá trị tốt đẹp cho cuộc sống

Đời sống - Ngày đăng : 18:56, 25/03/2022

(HNMO) - Từ năm 2016, ngày 25-3, hằng năm được chọn là Ngày Công tác xã hội Việt Nam, nhằm tôn vinh những người làm nghề công tác xã hội. Với vai trò phát hiện, tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ cung cấp dịch vụ cho những cá nhân, nhóm người gặp khó khăn, giúp họ vượt qua những rào cản, hòa nhập cộng đồng theo hướng tích cực, công tác xã hội được coi là nghề nhân văn, góp phần mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn Hà Nội được quan tâm chăm sóc, tiếp cận với các dịch vụ công tác xã hội.

Nhiều người cần trợ giúp

Đối tượng hỗ trợ của nghề đặc thù này khá đa dạng, tập trung ở nhóm yếu thế, người cao tuổi, nạn nhân bị bạo lực, xâm hại, bị mua bán, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh... Ở nước ta, các trường hợp cần tiếp cận, trợ giúp từ các dịch vụ công tác xã hội chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số dân và có xu hướng tăng. 

Theo Hội Người cao tuổi Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 12 triệu người cao tuổi, trong đó hơn 50% người cao tuổi không có lương hưu, nguồn trợ cấp xã hội hằng tháng, thậm chí còn 500.000 người chưa có thẻ bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, nên cuộc sống còn khó khăn. “Số lượng người cao tuổi đang tăng lên theo tốc độ già hóa dân số, trong khi nhiều người muốn sống những năm tháng tuổi già tại các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi. Thực tế này cho thấy, nước ta cần bổ sung trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi công lập, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi ngoài công lập”, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phân tích. 

Với nhóm người khuyết tật, hiện cả nước ghi nhận hơn 6,2 triệu người, bằng 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng.

Đối tượng cần trợ giúp từ các dịch vụ công tác xã hội là nạn nhân bị bạo lực, bạo hành, mua bán, người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ, có xu hướng tăng. Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm, cả nước phát hiện khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại. Còn với phụ nữ, kết quả nghiên cứu quốc gia mới nhất về bạo lực đối với phụ nữ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, hơn 60% phụ nữ ở nước ta từng trải qua một hoặc nhiều hình thức bạo lực (thể chất, tình dục, tinh thần, kinh tế, hành vi kiểm soát của chồng...).

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các trường hợp rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cần nhận được sự quan tâm, trợ giúp đột xuất, cấp bách, lâu dài đều tăng lên. Điều này đồng nghĩa, nghề công tác xã hội và các dịch vụ tư vấn, trợ giúp liên quan đến công tác xã hội ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng đối với đời sống cộng đồng. 

Chăm sóc người già lang thang không nơi nương tựa tại Trung tâm Bảo trợ xã hội IV Hà Nội.

Quan tâm để phát triển

Nhằm đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của nhóm người yếu thế, các bộ, ngành, địa phương quan tâm phát triển nguồn nhân lực làm công tác xã hội cùng hệ thống cơ sở có chức năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội. 

Đáng chú ý, theo Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 112/QĐ-TTg, ngày 22-1-2021, các cơ quan chức năng có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nghề công tác xã hội phát triển. Từ nay đến năm 2030, cả nước phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, trường học, bệnh viện, UBND xã, phường, thị trấn,... có nhân sự làm công tác xã hội; bảo đảm ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, giáo dục đủ khả năng cung cấp dịch vụ công tác xã hội... Cùng thời điểm này, ít nhất 90% trẻ em mồ côi, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng... ở nước ta được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn xã hội hóa. Trên tinh thần đó, các địa phương huy động nhiều nguồn lực để duy trì, phát triển nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội. 

Chẳng hạn, tại Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 2.000 mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng làm nơi tạm lánh cho phụ nữ, trẻ em bị bạo lực. Hệ thống trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thường xuyên chăm sóc, nuôi dưỡng gần 3.000 người có hoàn cảnh đặc biệt. Đáng chú ý, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội duy trì hoạt động 24/7 góp phần tư vấn, trợ giúp cho hàng nghìn người cần trợ giúp mỗi năm. Nhiều năm gắn bó với nghề, chị Hoàng Hạnh Tâm, nhân viên công tác xã hội (Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, những việc chúng tôi làm ít được biết đến, thậm chí đôi khi còn bị nhầm lẫn với công tác xã hội, từ thiện. Còn hiện nay, người dân gặp hoặc chứng kiến những hoàn cảnh, tình huống cần trợ giúp, họ đã thông báo cho chúng tôi”. Từng được tư vấn, trợ giúp pháp lý để hoàn tất thủ tục đề nghị hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng dành cho người khuyết tật, bà Nguyễn Thị Thật, thôn Kim Lâm, thị trấn Kim Bài (huyện Thanh Oai) phân khởi: “Từ tháng 1-2021 đến nay, tôi nhận được mức trợ cấp 525.000 đồng/tháng. Số tiền này giúp tôi vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Được tạo điều kiện, khuyến khích để phát triển, đến nay, cả nước có hơn 200.000 công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội. Mạng lưới nhân viên và cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội được thiết lập ở nhiều nơi, góp phần giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời cho những trường hợp khó khăn, tạo thêm điểm tựa, niềm tin cho họ vươn lên.

Minh Vũ