Duy trì đà phát triển thể dục - thể thao, vì mục tiêu dân cường, quốc thịnh

Xã hội - Ngày đăng : 06:17, 27/03/2022

(HNM) - Những ngày này, nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 76 năm Ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2022) đã được tổ chức. Toàn ngành cũng đang dồn lực để đăng cai thành công SEA Games 31. Tất cả nhằm duy trì đà phát triển thể dục - thể thao, vì mục tiêu dân cường, quốc thịnh. Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đức Phấn đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này.

Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn.

Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

- Ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi Toàn dân tập thể dục, khẳng định “luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi người dân yêu nước”, “dân cường thì quốc thịnh”. Có thể nói, trong hành trình xây dựng và phát triển của thể thao Việt Nam, tư tưởng dân cường, quốc thịnh luôn là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt, thưa ông?

- Đúng vậy, suốt 76 năm qua, phát huy tư tưởng dân cường, quốc thịnh, Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đối với sự nghiệp phát triển thể dục, thể thao nước nhà. Thể dục, thể thao quần chúng ngày càng phát triển với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng lối sống lành mạnh, cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Thể thao thành tích cao có bước phát triển tích cực, một số môn thể thao đã có sự đột phá, đạt trình độ châu lục và thế giới. Cơ sở vật chất, kỹ thuật từng bước được nâng cấp và xây dựng mới. Khoa học và y học thể thao ngày càng được ứng dụng hiệu quả. Hợp tác quốc tế được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Ðông Nam Á…

- Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định rõ nhiệm vụ phải “thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khỏe của nhân dân, làm cơ sở cho phát triển thể dục, thể thao thành tích cao”. Ông có thể cho biết ngành Thể dục - Thể thao đã và đang triển khai các nội dung này như thế nào?

- Chúng tôi quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ với phương châm đổi mới mạnh mẽ, phát huy các thành tích đã đạt được, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, làm cơ sở phát triển thể thao thành tích cao. Trong đó, việc thực hiện tốt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 được chú trọng. Tới đây, ngành tiếp tục tham mưu với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… triển khai các chương trình, nhằm thúc đẩy công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể dục, thể thao trong trường học, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng con người mới Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Ðầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Vì vậy, những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 1-12-2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước tăng lên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao được quan tâm; đồng thời đã phát huy các nguồn lực xã hội, không ngừng đổi mới quản lý nhà nước, phát huy mạnh mẽ vai trò các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao…

Tổ chức thành công SEA Games 31

- Việc đăng cai thành công SEA Games 31 sẽ góp phần thực hiện chủ trương mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển, thưa ông?

- Đăng cai thành công các sự kiện thể thao lớn của khu vực, châu Á và thế giới không chỉ tạo đà phát triển thể dục, thể thao, mà còn góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác, nâng cao vị thế của đất nước trong tiến trình hội nhập quốc tế. Vì vậy, dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, song chủ nhà Việt Nam vẫn quyết tâm tổ chức thành công SEA Games 31. Đến nay, có thể khẳng định, công tác chuẩn bị SEA Games đang được thực hiện theo đúng lộ trình. Đại hội sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 23-5, với sự góp mặt của 11 quốc gia trong khu vực, hơn 7.000 vận động viên. Chúng ta cũng đã lập danh sách mời hơn 1.200 quan chức kỹ thuật, trọng tài quốc tế và hơn 1.000 trọng tài Việt Nam điều hành Đại hội.

SEA Games 31 được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội và 11 tỉnh, thành phố; trong đó, Hà Nội là địa phương đăng cai chính, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, chịu trách nhiệm tổ chức 20 môn và phân môn trong tổng số 40 môn thi đấu của Đại hội tại 15 địa điểm thi đấu. Ngoài ra, còn phải kể đến một số môn thi đấu tại các cơ sở do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý nằm trên địa bàn Hà Nội, như: Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Cung thể thao dưới nước… Đặc biệt, Trường bắn thuộc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội đã hoàn thành công tác nâng cấp, cải tạo với cơ sở tập luyện và thi đấu hiện đại, bảo đảm để Việt Nam tổ chức thành công các giải bắn súng châu lục và thế giới. 

Sau Hội nghị Trưởng đoàn SEA Games 31, ngày 19-3-2022, các trưởng đoàn cũng đã trực tiếp thị sát, kiểm tra những địa điểm thi đấu của Đại hội và đánh giá cao sự chuẩn bị của chủ nhà.

- Theo ông, đến thời điểm này, đâu là khó khăn, vướng mắc lớn nhất?

- Công tác chuẩn bị và tổ chức SEA Games 31 gặp một số khó khăn, do dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Nhiều cán bộ của Ban Tổ chức nhiễm Covid-19, ảnh hưởng phần nào đến tiến độ công việc. Một số công việc đòi hỏi tiến độ thời gian, quy trình triển khai phức tạp, như: Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ tổ chức Đại hội và điều hành thi đấu; mua sắm các trang thiết bị phục vụ thi đấu... Trong đó, trang thiết bị của cầu mây, đấu kiếm… hiện không thể mua sắm trong nước, trong khi thời gian không đủ để thực hiện quy trình đấu thầu quốc tế. Đáng chú ý, khó khăn về dịch bệnh không chỉ đối với riêng Việt Nam, mà với tất cả các quốc gia trong khu vực, do đó, việc đăng ký thi đấu hiện đang bị chậm so với thời gian Ban Tổ chức quy định. 

- Ông có thể cho biết một số nhiệm vụ chính cần tập trung triển khai trong thời gian tới?

- Ban Tổ chức đang triển khai phương án lắp dựng Trung tâm Điều hành và phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội trong việc phê duyệt kịch bản văn học, kịch bản chi tiết lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 và triển khai công tác huy động lực lượng tập luyện, dàn dựng các tiết mục theo kịch bản. Trước mắt, ngày 30-3 tới đây, các đoàn phải hoàn thành việc đăng ký chính thức về ăn, ở, tập luyện, thi đấu trên hệ thống đăng ký trực tuyến. Đồng thời, chủ nhà phải sớm hoàn thiện việc nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất phục vụ tổ chức Đại hội. 

Cùng với đó là nhiệm vụ đào tạo, chuẩn bị lực lượng vận động viên của Đoàn thể thao Việt Nam thi đấu tại SEA Games 31. Hiện tại, một số đội tuyển vẫn đang thi đấu nước ngoài, các vận động viên tập luyện trong nước cũng bước vào giai đoạn cuối cùng chuẩn bị thi đấu tại SEA Games 31. Trong những ngày qua, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Thể dục - Thể thao đã đến các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia gặp mặt các đội tuyển, khích lệ vận động viên thi đấu thành công tại SEA Games 31, với mục tiêu nằm trong tốp đầu của Đại hội. 

- Trân trọng cảm ơn ông!

Mai Hoa