Đừng dễ dãi khi phẫu thuật thẩm mỹ
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:21, 27/03/2022
Nhiều sự cố nguy hiểm
Ngày 26-3, Bệnh viện Thẩm mỹ Hàn Quốc JW thành phố Hồ Chí Minh thông tin, vừa mổ cấp cứu cho 1 cô gái hoại tử nặng vùng cổ, cằm sau tiêm 1 chất dịch lạ vào vùng cằm, má để làm đẹp. Nữ bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vùng cổ hoại tử nặng chằng chịt các vết sẹo, vết thương hở chưa kịp lành do đã trải qua 4 lần phẫu thuật nạo áp-xe trước đó. Đặc biệt, vết cắt ngang cổ dài 15cm nối dài từ góc hàm bên này đến tận góc hàm bên kia. Các bác sĩ đã phải rất cẩn trọng, không để mủ dịch tràn vào động mạch cảnh, có thể khiến bệnh nhân tử vong ngay lập tức.
Trước đó, ngày 18-3, chị N.T.N.N (SN 1989, quê Đồng Tháp) nhập Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng thành phố Hồ Chí Minh (Bệnh viện 1A trực thuộc Bộ lao động, Thương binh và Xã hội) tại quận Bình Thạnh để phẫu thuật nâng ngực. Khoảng 15h cùng ngày, người nhà nhận được thông tin chị N đã tử vong. Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Phan Tôn Ngọc Vũ, Trưởng khoa Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh, có thể tiên liệu "sự số y khoa" từ dịch vụ phẫu thuật làm đẹp còn nguy cơ gia tăng, nếu chúng ta không chú trọng đến thực trạng cơ sở vật chất, nhân lực chuyên môn ở các cơ sở giải phẩu thẩm mỹ, trong bối cảnh nhu cầu làm đẹp của người dân ngày càng cao.
“Lâu nay, nhiều người nghĩ về loại kỹ thuật "làm đẹp" này chỉ là chuyện như trang điểm nên đã quá dễ dãi từ nhiều phía, cả cơ sở làm dịch vụ lẫn khách hàng. Tuy nhiên, tai biến sau phẫu thuật có thể đến từ rất nhiều phía, bao gồm phẫu thuật và gây mê, tỷ lệ này thay đổi tùy nhóm bệnh cần phẫu thuật", Tiến sĩ Phan Tôn Ngọc Vũ cho biết.
Lựa chọn đúng để được an toàn
Theo Tiến sĩ Phan Tôn Ngọc Vũ, phẫu thuật thẩm mỹ có thể chia làm hai loại chính: Phẫu thuật tái tạo và phẫu thuật làm đẹp. Trong đó, phẫu thuật tái tạo bao gồm: Phẫu thuật sọ mặt, phẫu thuật bàn tay, phẫu thuật vi phẫu và điều trị bỏng..., nó giúp tái tạo một phần cơ thể và cải thiện chức năng của nó. Phẫu thuật làm đẹp là phẫu thuật cải thiện diện mạo, tướng mạo cho khách hàng.
Bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ phải là người được đào tạo chuyên khoa sâu về phẫu thuật thẩm mỹ và có kinh nghiệm thực tế để có thể tổ chức ca mổ, nguyên tắc vô trùng, xử lý các biến chứng chung của ngoại khoa và phối hợp xử lý các biến cố sau mổ... Nhân sự gây mê hồi sức rất quan trọng; phải là người có kinh nghiệm, phụ gây mê, phụ mổ và có đầy đủ các phương tiện theo dõi trong và sau mổ để phát hiện sớm các tai biến. Nhân viên tham gia ca phẫu thuật phải kiểm soát các biến chứng sau phẫu thuật thẩm mỹ bao gồm: Nhiễm trùng, tắc mạch, hoại tử da, chảy máu, phù phổi, hội chứng tắc mạch do mỡ, thủng ruột, tụ dịch dưới da và ngộ độc thuốc tê trong và sau mổ.
Ngoài ra, theo Tiến sĩ Vũ, nơi mổ cũng là yếu tố quan trọng dẫn đến kết quả của ca phẫu thuật. Theo đó, tiêu chuẩn của một khu phẫu thuật thẩm mỹ không chỉ là một phòng mổ mà là hệ thống chăm sóc người bệnh trước, trong và sau phẫu thuật rất chặt chẽ và khoa học với các quy trình nghiêm ngặt của chuyên ngành, nhằm đem lại sự hồi phục sớm cho người bệnh, đặc biệt là các khâu an toàn cho người bệnh.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Huy Lượng, chuyên gia phẫu thuật thẩm mỹ tại thành phố Hồ Chí Minh, để hạn chế sự cố y khoa, an toàn phẫu thuật, khách hàng cần lựa chọn cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép; cung cấp đầy đủ thông tin sức khỏe, tiền sử dị ứng, tiền sử phẫu thuật cho bác sĩ; cũng như cần được xét nghiệm đầy đủ, khám tầm soát, phát hiện sớm các bất thường sức khỏe, chống chỉ định phẫu thuật hoặc các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến ca phẫu thuật cũng như cần có ê kíp gây mê hồi sức theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe trong suốt quá trình phẫu thuật cũng như giai đoạn hồi sức hậu phẫu.