Các “ông lớn” công nghệ Mỹ “gặp khó”

Thế giới - Ngày đăng : 06:39, 27/03/2022

(HNM) - Quyền lực của các "ông lớn" công nghệ Mỹ như Google, Apple, Meta (Facebook), Amazon và Microsoft đang đứng trước nguy cơ bị hạn chế tại Cựu lục địa khi Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đạt được nhất trí về hai đạo luật mới gồm Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) và Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA). Đây được cho là hai văn kiện pháp luật có quyền hạn lớn nhất trong lĩnh vực này của EU.

Các nhà lãnh đạo EU đã đạt được sự thống nhất về đạo luật hạn chế sự thống trị của các tập đoàn công nghệ lớn đến từ Mỹ.

Cả hai đạo luật này đã được EP thông qua vào giữa tháng 12-2021 trước khi đặt lên bàn đàm phán với các nước thành viên EU. DMA sẽ trao cho EU các quyền hạn chưa từng có để nhanh chóng hành động đối với các công ty công nghệ lớn nói trên, đồng thời đề ra quy định nghiêm ngặt về những điều "được làm" và "không được làm" trên các nền tảng mà các công ty này quản lý.

Trong khi đó, DSA bao gồm các quy định bảo đảm rằng các nền tảng trực tuyến phải chịu trách nhiệm về các thuật toán của mình, đồng thời có nghĩa vụ kiểm duyệt nội dung tốt hơn. Quy định cũng sẽ buộc các tập đoàn công nghệ phải chia sẻ dữ liệu quan trọng với khách hàng doanh nghiệp, đồng thời có sự đồng ý của người dùng đối với dữ liệu tham khảo chéo từ nhiều dịch vụ cho mục đích lập hồ sơ quảng cáo.

Các khoản tiền phạt có thể lên đến 10% doanh số kinh doanh toàn cầu sẽ được đưa ra trong trường hợp vi phạm và EP muốn tăng cường phương tiện ngăn chặn hơn nữa trong trường hợp tái phạm. Nhiều nhận định cho rằng, hai đạo luật của EU có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động của các "ông lớn" công nghệ tại châu Âu. Bởi, những điều khoản của hai đạo luật này hướng tới giải quyết hiệu quả nạn tin giả và phát ngôn thù địch trên mạng, cũng như ngăn cản các công ty này bành trướng tới mức độc chiếm thị trường, triệt tiêu cạnh tranh lành mạnh.

Theo đánh giá của Tổ chức Người tiêu dùng châu Âu, hai đạo luật này sẽ mang lại cho người tiêu dùng lợi ích lớn hơn từ các dịch vụ kỹ thuật số. Trong khi đó, Hiệp hội Công nghiệp máy tính và truyền thông châu Âu (CCIA) nhận định, nỗ lực của các nhà lập pháp đối với các đạo luật có ý nghĩa quan trọng cho ngành công nghệ của Cựu lục địa. Nó cũng mang lại cho các nhà quản lý những công cụ sắc bén hơn như cấp cho họ quyền điều tra rộng rãi, với khả năng đưa ra mức phạt lên tới 10% doanh thu toàn cầu đối với các hành vi vi phạm. Thậm chí trong một số trường hợp đặc biệt, nhà quản lý có thể buộc những người tái phạm phải chia tay doanh nghiệp đang làm.

Trong hai thập kỷ qua, các cơ quan chống độc quyền ở châu Âu bị coi là hoạt động kém hiệu quả và phản ứng quá chậm. Mặc dù Ủy ban châu Âu đã tăng cường các hành động chống độc quyền trong những năm gần đây, song các khoản tiền phạt mà cơ quan này đưa ra được đánh giá là không đáng kể. Chính vì vậy, các đạo luật DMA và DSA là động thái quyết liệt của EU nhằm ngăn chặn sức ảnh hưởng của những “gã khổng lồ” công nghệ đến từ thung lũng Silicon. Để đi đến được sự thống nhất giữa EP và các thành viên EU, hơn 150 cuộc họp giữa các quan chức công nghệ lớn của khu vực đã được tổ chức. Victoria Svanberg, Chủ tịch Tập đoàn Báo chí Europe cho biết: “Nền kinh tế kỹ thuật số là tương lai chung của chúng ta và không thể phó mặc cho một số ít doanh nghiệp công nghệ lớn mà không có sự giám sát. EU cần bắt đầu tập trung vào việc triển khai và thực hiện các quy tắc mới được đưa ra. Không còn thời gian để lãng phí!”.

Các biện pháp chống độc quyền mới có thể khiến các tập đoàn công nghệ lớn mất một số thị phần và phân khúc sản phẩm tại Cựu lục địa. Điều này khiến Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft sẽ phải tính đến biện pháp thay đổi phương thức kinh doanh cốt lõi từng áp dụng thành công ở châu Âu nhiều năm qua.

Quỳnh Dương