Bảo đảm kinh doanh và tiêu dùng lành mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 27/03/2022
Thay đổi nhận thức từ người tiêu dùng
Sau hai năm dịch Covid-19, đến nay 80% giao dịch mua sắm của chị Đặng Ngọc Phương (25 tuổi, ở quận Long Biên) thực hiện trên môi trường số. Từ quần áo, hóa mỹ phẩm tới hàng điện máy, thực phẩm…, chị đều đặt mua, thanh toán trực tuyến qua thương mại điện tử hay mạng xã hội. Thực tế, với lớp người tiêu dùng mới như chị Ngọc Phương, thương mại điện tử phát triển mạnh, tạo xung lực mới cho thương mại và nền kinh tế.
Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm quyền của người tiêu dùng cũng theo đó gia tăng với nhiều hình thức mới. Nổi cộm là tình trạng bán hàng không rõ nguồn gốc, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng nhái…, đặc biệt trên thương mại điện tử. Trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 25.000 vụ, xử lý 23.000 vụ việc liên quan đến môi trường kinh doanh trực tuyến. Cũng trong năm 2021, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tiếp nhận hơn 13.000 cuộc gọi phản ánh, khiếu nại liên quan tới các vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, tăng 17,6% so với năm 2020. Các phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng tập trung vào các nhóm hành vi vi phạm về thực hiện hợp đồng giao kết, cam kết với người tiêu dùng; về số lượng, chất lượng, thời gian giao hàng; bảo hành, bảo vệ thông tin người tiêu dùng...
Thời gian qua, dù các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, song những gian lận trên thương mại điện tử, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng vẫn diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi người tiêu dùng phải nâng cao hơn nữa nhận thức và cách ứng xử trong tiêu dùng, xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, lành mạnh. Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, người tiêu dùng văn minh, thông thái cần hiểu sức mạnh của mình với doanh nghiệp và thị trường, cổ vũ cho sản phẩm, dịch vụ có chất lượng tốt; tẩy chay, đưa ra khiếu kiện... nếu quyền lợi không được bảo đảm.
Kinh doanh lành mạnh là giải pháp bền vững
Trong khi người tiêu dùng xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, lành mạnh thì các doanh nghiệp càng cần tăng cường trách nhiệm với khách hàng như một giải pháp phát triển bền vững. Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Quỳnh Anh nêu, những trách nhiệm cần có của doanh nghiệp gồm: Cung cấp thông tin về hàng hóa, những chứng cứ về giao dịch, bảo hành hàng hóa hay thu hồi sản phẩm khuyết tật và chịu trách nhiệm với những hậu quả do việc thu hồi hàng hóa khuyết tật gây ra… “Chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp cần phải thay đổi, quan tâm hơn đến xu hướng sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, thân thiện với môi trường, an toàn cho người tiêu dùng. Đây là cách góp phần tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp”, bà Nguyễn Quỳnh Anh nhấn mạnh.
Cùng quan điểm này, Tiến sĩ Võ Trí Thành cho rằng, bảo vệ người tiêu dùng cũng là bảo đảm sự sống còn và thương hiệu của doanh nghiệp. Theo đó, các thông tin về doanh nghiệp và sản phẩm của doanh nghiệp phải minh bạch. Ngoài ra, doanh nghiệp phải có sự cạnh tranh lành mạnh; đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường; bảo đảm tiêu chuẩn, tiêu chí kỹ thuật, an toàn…
Từ góc độ của doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt thông tin, nếu như trước đây quy trình sản xuất của doanh nghiệp đơn thuần là bảo đảm an toàn, chất lượng, phục vụ tốt nhất khách hàng thì hiện doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sản xuất bền vững, xanh và sạch. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vinh Phương, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn URC Việt Nam (chuyên về lĩnh vực nước giải khát), cho biết: “Chúng tôi đang theo đuổi mô hình phát triển bền vững, giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp, phối hợp với các doanh nghiệp tái chế vỏ và bã cà phê thành phân bón hữu cơ”.
Không chỉ doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đổi mới cách tiếp cận nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm sự lành mạnh của thị trường. Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Tổng đài tư vấn miễn phí 1800 6838 hiện duy trì đồng thời tại Bộ Công Thương và các địa phương. Đơn vị này cũng vừa đưa ra bộ tài liệu hướng dẫn tiêu dùng an toàn với thông điệp “An toàn trong lựa chọn, an toàn trong thanh toán và an toàn trong sử dụng”. Còn lực lượng quản lý thị trường đã lập đường dây nóng 1900.888.655. Từ trên 2.000 cuộc gọi phản ánh qua đường dây nóng trong năm 2021, lực lượng quản lý thị trường các cấp đã làm rõ, xử lý nghiêm các vụ vi phạm. Đáng chú ý, Tổng cục Quản lý thị trường còn sử dụng những kênh truyền thông mới trên mạng xã hội như Youtube, Tik Tok…, để thông tin, hỗ trợ người tiêu dùng cách nhận biết hàng thật, hàng giả, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.