Mở thêm nhiều ''cánh cửa''
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:16, 28/03/2022
Cùng với việc thúc đẩy xúc tiến thương mại bằng các phương thức truyền thống như tổ chức hội chợ, chương trình giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cũng như các tỉnh, thành phố lớn (trong đó có Hà Nội) đã triển khai nhiều phương thức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ như: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cung cấp cho các đối tác tiềm năng; hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa; kết nối doanh nghiệp với hệ thống tham tán thương mại và đối tác trên các nền tảng internet… bước đầu mang lại kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên việc kết nối các vùng sản xuất tập trung với những thị trường lớn, có giá trị cao (ở cả trong và ngoài nước) vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều vấn đề như: Sản xuất nhỏ lẻ quy mô nông hộ, chưa có nhiều vùng hàng hóa chuyên canh lớn, có thể truy xuất nguồn gốc; công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được đầu tư đúng mức; liên kết giữa người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị còn lỏng lẻo… Do vậy, để đưa sản phẩm nông nghiệp vào các thị trường lớn có giá trị cao cần có hệ thống giải pháp đồng bộ cho cả những vấn đề trước mắt và lâu dài.
Trước hết, các thành phố lớn cần tăng cường giải pháp xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với những địa phương có vùng sản xuất lớn bảo đảm nguồn cung cho thị trường trước mọi biến động; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại theo hình thức truyền thống như tổ chức các hội chợ, chương trình quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề thỏa mãn tập quán trong hoạt động xuất, nhập khẩu quốc tế; tăng cường kiểm tra hàng mẫu, vùng sản xuất…
Cùng với đó là xây dựng nền tảng công nghệ thông tin có thể ứng dụng toàn diện cho các hoạt động xúc tiến thương mại. Trong đó, cho phép các nhà sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp có thể tìm kiếm các thông tin về hội chợ, hội thảo, chương trình, sự kiện cũng như các đối tác có liên quan đến mỗi ngành hàng nông sản; đồng thời kết nối các nhà xuất khẩu trong nước với đối tác nhập khẩu nước ngoài… Mặt khác, các địa phương cần tăng cường các giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử, phát triển các hình thức bán hàng trên môi trường mạng, qua đó từng bước hội nhập với xu thế thương mại thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Cùng với việc chủ động đánh giá nguồn hàng cũng như nhu cầu của người tiêu dùng để có kế hoạch sản xuất các sản phẩm nông nghiệp bảo đảm ổn định thị trường trong nước, các cơ quan chức năng cần chú trọng thông tin thị trường quốc tế, nhất là các thị trường xuất khẩu tiềm năng; chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến “hàng rào” kỹ thuật; đồng thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp gia tăng lượng sản phẩm xuất khẩu chính ngạch, qua đó gia tăng giá trị nông sản, hướng đến xuất khẩu bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Kết hợp nhiều hình thức xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu…, nông nghiệp nước nhà sẽ mở thêm nhiều "cánh cửa" thị trường; gắn tiêu thụ nông sản với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững, hòa cùng xu thế của thời đại.