Các nhà giáo chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lực nghề nghiệp

Giáo dục - Ngày đăng : 10:38, 28/03/2022

(HNMO) - Ngày 28-3, Ban Quản lý chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo trực tuyến “Phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo - thành quả và thách thức”.

 Tiến sĩ Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP phát biểu tại hội thảo. 

Ghi nhận mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các trường đại học sư phạm và các cơ sở giáo dục phổ thông trên cả nước trong quá trình triển khai chương trình ETEP từ năm 2017 đến nay, Tiến sĩ Đặng Văn Huấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý chương trình ETEP cho biết, hội thảo nhằm tiếp tục ghi nhận những ý kiến, kinh nghiệm từ các trường đại học sư phạm, các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc triển khai công tác bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông.

Đây cũng là dịp để Ban Quản lý chương trình ETEP nắm bắt tình hình triển khai tại cơ sở; đánh giá tác động từ chương trình trong việc nâng cao năng lực chuyên môn; tạo cơ hội để các cơ sở giáo dục chia sẻ, nhân rộng những kinh nghiệm tốt trong việc tổ chức bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục phổ thông trên phạm vi cả nước, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. 

Theo báo cáo của Ban Quản lý chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn và chuyển giao tài liệu bồi dưỡng mô-đun 1 đến 9 cho các trường đại học chủ chốt. Tính đến ngày 31-12-2021, các trường đại học sư phạm chủ chốt đã tổ chức bồi dưỡng 6 mô-đun cho hơn 31.000 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán. 3 mô-đun còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2022. 

Ngoài ra, còn gần 520.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đại trà đã hoàn thành 4/5 mô-đun bồi dưỡng. Dự kiến, đến ngày 30-6-2022, sẽ có 500.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành toàn bộ 5 mô-đun theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Tại hội thảo, ý kiến từ các địa phương đều khẳng định, các trường đại học sư phạm tham gia chương trình đều thực hiện tốt hoạt động bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông. Công tác phối hợp giữa các trường đại học sư phạm với cơ sở giáo dục phổ thông được duy trì thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả.

Đặc biệt, việc chuyển đổi từ hình thức bồi dưỡng trực tiếp sang hình thức bồi dưỡng qua lớp học ảo và hỗ trợ trực tuyến cho các giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã giúp hoạt động bồi dưỡng được duy trì hiệu quả trên cả nước trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời tiết kiệm được ngân sách.

Ý kiến của các giáo viên tham dự hội thảo chia sẻ, đây là cách thức giúp đội ngũ giáo viên có thể tự học thường xuyên, không hạn chế về thời gian, không gian, phù hợp với đặc thù công việc, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Thống Nhất