Họa sĩ Lê Lam qua đời ở tuổi 91
Văn hóa - Ngày đăng : 19:47, 28/03/2022
Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931, tại Đông Anh, Hà Nội. Ông theo học khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam), hay còn gọi là Khóa Kháng chiến (1950-1954), khi đó thành lập ở Chiến khu Việt Bắc, do họa sĩ Tô Ngọc Vân trực tiếp giảng dạy. Năm 1958, ông được cử sang Liên Xô học kỹ thuật vẽ tranh tuyên truyền. Sau đó, ông trở về giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội.
Tuy nhận quyết định cử đi học cao hơn ở Liên Xô, nhưng họa sĩ Lê Lam đã xin vào chiến trường miền Nam để cảm nhận, ghi chép và vẽ về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của quân dân ta. Từ năm 1966 đến năm 1975, ông đi khắp các tỉnh, thành Nam Bộ, ghi lại hàng nghìn bức ký họa và tranh khổ lớn về phong cảnh, đời sống, cuộc chiến đấu, chân dung chiến sĩ, người dân nơi chiến trường.
Sau khi đất nước thống nhất, họa sĩ Lê Lam dành thời gian hoàn thiện các bản ký họa thời chiến, dựng các bức tranh khổ lớn và tiếp tục vẽ nhiều chủ đề.
Họa sĩ Lê Lam chủ yếu vẽ tranh hiện thực, về chủ đề chiến tranh, cách mạng, nổi bật như các bức: Tranh khắc gỗ “Chân dung Hồ Chủ tịch”, “Mừng xuân”, “Nguyễn Văn Trỗi”, “Du kích thanh niên xung phong”; tranh in lưới “Hết lòng vì tiền tuyến”; tranh cổ động “Bảo vệ chính quyền nhân dân”, “Kỷ luật là sức mạnh của quân đội ta”… Bức tranh nổi tiếng nhất của ông là “Dừng lại” (sơn dầu) về một người phụ nữ ở Long An đã dũng cảm chặn xe địch đang càn qua đồng lúa sắp chín. Tác phẩm được trưng bày ở nhiều triển lãm.