Taliban hủy quyết định mở cửa trường nữ sinh trung học: Thách thức triển vọng hàn gắn xã hội
Thế giới - Ngày đăng : 07:05, 29/03/2022
Trước đó, Bộ Giáo dục Afghanistan xác nhận các trường học, bao gồm cả trường của nữ sinh sẽ mở cửa trở lại vào ngày 23-3. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi mở cửa trở lại, lần đầu tiên sau gần 7 tháng, chính quyền Taliban đã bất ngờ rút lại thông báo, tuyên bố các trường dành cho nữ sinh trung học vẫn sẽ đóng cửa cho đến khi một kế hoạch được đề ra theo Luật Hồi giáo cho phép hoạt động trở lại.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ: “Quyết định của Taliban là vô cùng đáng thất vọng và là một sự đảo ngược khó lý giải những cam kết, trước hết là đối với người dân Afghanistan, cũng như với cộng đồng quốc tế. Chúng tôi đã hủy một số hoạt động tiếp xúc, bao gồm những cuộc gặp được lên kế hoạch tổ chức ở Doha”.
Theo kế hoạch, đối thoại Mỹ - Taliban dự kiến gồm nhiều vấn đề, trong đó có vai trò độc lập của Ngân hàng Trung ương Afghanistan và hoạt động in tiền của quốc gia Tây Nam Á này. Cuộc thảo luận sẽ là cơ sở trao đổi nhân đạo để giải phóng tiền mặt và hàng trăm triệu USD tài trợ đang được giữ trong quỹ tín thác của Ngân hàng Thế giới dành cho lĩnh vực giáo dục của Afghanistan.
Hành động lật ngược tình thế vào phút chót của Taliban mâu thuẫn với những cam kết của họ đối với người dân Afghanistan và cộng đồng quốc tế. Các bộ trưởng bộ ngoại giao Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Na Uy, Canada và đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cùng ra tuyên bố chung nhấn mạnh quyết định trên của Taliban sẽ làm tổn hại đến triển vọng được cộng đồng quốc tế ủng hộ và thừa nhận tính hợp pháp của phong trào Hồi giáo này. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cũng bày tỏ thất vọng trước quyết định của Taliban, cho rằng hành động này vi phạm quyền bình đẳng của phụ nữ và trẻ em gái trong lĩnh vực giáo dục.
Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 8-2021 sau khi quân đội Mỹ và tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rút khỏi Afghanistan, Taliban đã thực thi một số hạn chế đối với phụ nữ, trong đó có cắt bỏ chương trình giáo dục trung học với trẻ em gái. Cụ thể, Taliban khẳng định họ muốn bảo đảm các trường học dành cho trẻ em gái 12-18 tuổi được tách biệt và sẽ hoạt động theo các nguyên tắc Hồi giáo. Các chính sách của Taliban về giáo dục là tập hợp của các chính sách rời rạc và không mạch lạc. Những điều này đã gây ra hậu quả tổng thể là tước đi cơ hội tiếp cận giáo dục của một tỷ lệ lớn trẻ em gái và phụ nữ.
Taliban cấm giáo dục cho trẻ em gái và phụ nữ vào lần cuối họ cầm quyền từ năm 1996 đến 2001, trong khi cộng đồng quốc tế đã nhiều lần coi đây là một phần quan trọng trong yêu cầu với Taliban khi phong trào Hồi giáo này tìm kiếm sự công nhận của quốc tế đối với chính phủ cầm quyền và nguồn viện trợ nước ngoài cho Afghanistan. Đặc biệt trong bối cảnh hệ thống giáo dục và tất cả các dịch vụ công cộng ở Afghanistan có nguy cơ sụp đổ do cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này.
Tháng 9-2021, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã cảnh báo, Afghanistan đang đối mặt với nguy cơ tụt hậu đến gần 2 thập kỷ trong giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái. Mỹ từ chối đàm phán là dấu hiệu cụ thể đầu tiên cho thấy các động thái của Taliban về việc không mở cửa trường nữ sinh trung học có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sự sẵn sàng hỗ trợ phong trào Hồi giáo này của cộng đồng quốc tế.