Tạo nền tảng phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 30/03/2022
Tuy nhiên, có một thực tế là, nhiều mô hình rất thành công trong việc đưa kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao…, nhưng lại thiếu sức lan tỏa.
Trước hết có thể nói, các cơ quan khuyến nông đã chú trọng xây dựng nhiều mô hình chuyển giao kỹ thuật, công nghệ mới cùng nhiều loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó góp phần tích cực đưa khoa học kỹ thuật nông nghiệp đến với người nông dân, tạo nền tảng cho việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, sản phẩm của nhiều mô hình khuyến nông chưa chiếm lĩnh được thị trường hoặc có giá bán không như mong muốn của các bên tham gia. Do vậy những mô hình này thiếu “sức hút” với người nông dân nên cũng thiếu sức lan tỏa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, trong đó, theo các chuyên gia nông nghiệp, nguyên nhân chủ yếu là sản phẩm của nhiều mô hình khuyến nông còn thiếu sự gắn kết với thị trường.
Nhận diện đúng “điểm nghẽn”, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc hỗ trợ toàn diện các mô hình chuyển giao từ nguồn giống, vật tư, quy trình sản xuất đến việc kết nối với doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm… Việc đưa doanh nghiệp đến với các mô hình khuyến nông, với người nông dân mang lại hiệu quả trên nhiều phương diện. Và hoàn toàn có thể nhận định, giải pháp bài bản của Hà Nội đã và đang tạo ra những nền tảng phát triển mới.
Những mô hình trồng nho Hạ đen tại xã An Thượng (huyện Hoài Đức); trồng sen Bách diệp và sen Quan âm tại các xã Mê Linh, Đại Thịnh (huyện Mê Linh)… gắn với các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống xã hội. Các ứng dụng khoa học công nghệ mới trong nông nghiệp thông qua mô hình khuyến nông đến với người nông dân, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, có thương hiệu, uy tín và sức cạnh tranh trên thị trường chính là nền tảng để tạo ra những chuỗi giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp.
Mặt khác, việc gắn các nhà sản xuất nông sản an toàn với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh là tất yếu của một nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển bền vững mà Hà Nội và nhiều địa phương đang hướng tới. Do vậy, thời gian tới, ngành Nông nghiệp, đặc biệt là Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cần chủ động liên kết với doanh nghiệp, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có tiềm năng phát triển, phù hợp với từng địa phương để tạo ra các mô hình chuyển giao khoa học, công nghệ gắn với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, từ đó lan tỏa trên diện rộng, tạo động lực phát triển mới.
Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần liên kết chặt chẽ với các nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu trên địa bàn, qua đó phát huy nguồn lực trí tuệ của Thủ đô, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế; được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng đón nhận.
Và một điều không thể không nói đến là thành phố có thể nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách cũng như nguồn lực để thúc đẩy hoạt động chuyển giao khoa học công nghệ; đồng thời xây dựng, mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, sản xuất an toàn trong lĩnh vực nông nghiệp... Đây là cơ sở cần thiết và quan trọng để xây dựng nền tảng phát triển mới.