Thành phố Hồ Chí Minh: Bứt phá bằng cơ chế đặc thù mạnh
Kinh tế - Ngày đăng : 07:47, 30/03/2022
Nhiều dự án "giậm chân tại chỗ"
Ông Trần Văn Dư (ở phường 15, quận Bình Thạnh) cho biết, hơn 10 năm nay, người dân trong khu vực mòn mỏi mong chờ rạch Xuyên Tâm được cải tạo. Con rạch đi qua khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, nơi tập trung đông dân cư nên bị ô nhiễm rất nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và mỹ quan đô thị.
Quá trình chỉnh trang đô thị khu vực trung tâm thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua gần như "giậm chân tại chỗ" mà nguyên nhân chính do nguồn vốn hạn hẹp. Đơn cử, dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm (đi qua địa bàn các quận Bình Thạnh và Gò Vấp) có tổng vốn đầu tư hơn 9.300 tỷ đồng, bị “lỡ hẹn” nhiều năm, đến nay vẫn chưa thể khởi động. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, ban đầu dự án được đề xuất thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Tuy nhiên, từ năm 2020, quy định về hợp đồng BT thay đổi nên dự án này không thể tiến hành như kế hoạch. UBND thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chuyển sang hình thức đầu tư công, nhưng do số vốn lớn nên thành phố kiến nghị bố trí vốn từ ngân sách trung ương song chưa được quyết định.
Công tác chỉnh trang đô thị gắn với di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh luôn là chủ đề “nóng”. Theo kế hoạch, đến năm 2020, thành phố phải di dời hơn 20.000 căn nhà, nhưng sau đó thay đổi kế hoạch chỉ di dời 10.000 căn do nguồn lực có hạn nhưng thực tế chỉ di dời được 2.479 căn. Trong giai đoạn 2021-2025, Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu bồi thường, di dời 6.500 căn, tổng vốn đầu tư dự kiến 19.280 tỷ đồng, bằng khoảng 1/3 so với kế hoạch. Lý do là khả năng cân đối vốn từ ngân sách của thành phố có hạn so với tổng nhu cầu vốn cho các dự án.
Có thể thấy, chỉ riêng lĩnh vực hạ tầng đô thị, thành phố Hồ Chí Minh cần nguồn vốn rất lớn nhưng khả năng cân đối rất hạn hẹp, làm chậm quá trình phát triển. PGS.TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, ngân sách không thể đáp ứng đầu tư các công trình cấp bách, thuộc nhóm ưu tiên đầu tư công, thành phố cần thêm cơ chế đặc thù mạnh hơn, sát thực tiễn hơn để chủ động trong công tác quy hoạch, kêu gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài nhà nước.
Đẩy mạnh phân cấp để bứt phá
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh (Nghị quyết 54), UBND thành phố đã trình HĐND thành phố thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10ha (tổng diện tích hơn 1.840ha); quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố với tổng mức đầu tư hơn 12.950 tỷ đồng. Thành phố cũng xây dựng, trình đề án tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố, theo đó, năm 2022, tỷ lệ ngân sách để lại cho thành phố được điều chỉnh từ 18% lên 21%.
Tuy nhiên, theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, việc triển khai một số nội dung theo Nghị quyết 54 còn chậm so với kế hoạch, do có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành, một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị trung ương đẩy mạnh cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền một số lĩnh vực quản lý nhà nước cho thành phố, gồm 4 lĩnh vực: Quản lý quy hoạch, kế hoạch, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; quản lý nhà đất và hạ tầng kỹ thuật - xã hội đô thị; quản lý ngân sách nhà nước; tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức theo hướng mở rộng tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành phố. Việc phân cấp sẽ tăng quyền tự chủ cho thành phố để giải quyết nhanh công việc, thêm điều kiện phát triển mạnh mẽ.
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, năm 2022 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm kiến tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025). Thành phố Hồ Chí Minh rất mong Quốc hội quan tâm, có cơ chế, chính sách, thẩm quyền đưa ra các quyết định có tính lịch sử đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.