Cứu di tích khỏi sự can thiệp thô bạo

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:41, 31/03/2022

(HNMCT) - Những thông tin mới đây về vụ tu sửa đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và chặt hạ cây đa trước cửa đình này, trước đó là chuyện giếng cổ tại đền thờ Lê Văn Hưu (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) có niên đại hàng trăm năm bị đơn vị thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích lấp đi và xây dựng giếng mới nhỏ hơn, đã một lần nữa làm dấy lên sự lo ngại về công tác bảo vệ, tôn tạo di tích.

Về vụ việc ở đình Chèm, thông tin trên báo chí cho biết, sau khi nhận được phản ánh của dư luận và người dân, Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra công trình tu sửa di tích, bước đầu phát hiện việc chặt hạ cây đa trong khuôn viên di tích không được sự cho phép của cấp có thẩm quyền (dù cây đa mới trồng được hơn 20 năm và đang có hiện tượng nghiêng, có nguy cơ làm hư hỏng di tích), đồng thời một số hạng mục như di chuyển cổng phụ, tu sửa bậc thềm cũng không đúng quy định...

Còn tại dự án tu bổ, tôn tạo di tích đền thờ sử gia Lê Văn Hưu, trước những ý kiến trái chiều của dư luận, người dân và giới nghiên cứu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa đã cho dừng thi công hạng mục giếng, chờ ý kiến chuyên môn từ phía Cục Di sản văn hóa…

Phải thừa nhận một thực tế rằng những chuyện mang danh trùng tu nhưng lại xâm hại di tích như vậy khá phổ biến trong thời gian qua. Hồi đầu tháng 3 vừa qua, cơ quan chức năng tỉnh Bình Định cũng đã yêu cầu dừng thi công dự án trùng tu tháp Bánh Ít - cụm tháp Chăm cổ có niên đại hơn 1.000 năm ở huyện Tuy Phước vì có dấu hiệu vi phạm Luật Di sản.

Tại chùa Phật Tích (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), nhiều năm trước trong khi trùng tu di tích người ta đã dỡ bỏ những khối đá lớn xếp theo sườn núi phía sau vườn tháp của chùa và thay vào là những viên đá mới được sắp xếp, lắp ghép một cách thô ráp, mất hẳn vẻ đẹp tự nhiên, rêu phong cổ kính trước kia. Năm 2021, khi thực hiện dự án trùng tu chùa Thổ Hà (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang), đơn vị thi công đã làm vỡ tấm bia đá cổ có niên đại 300 năm.

Còn tại Thủ đô Hà Nội, những chuyện trùng tu theo kiểu “làm mới di tích" cũng không hề hiếm. Đơn cử như cách đây vài năm, di tích đình Lương Xá (xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa) có niên đại ngót nghét 300 năm với những cấu kiện, hoa văn, họa tiết được chạm khắc bằng gỗ được xem là đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc thế kỷ XVII cũng “được” trùng tu bằng cách phá dỡ rồi… bê tông hóa cho "khang trang". Vụ việc này khiến nhiều người nhớ lại câu chuyện “làm mới chùa Trăm Gian” từng làm dậy sóng dư luận hồi năm 2012…

Việc liên tiếp xảy ra những vụ mang danh trùng tu, tôn tạo nhưng thực tế lại xâm hại di tích, nói thẳng ra là phá hoại giá trị di sản, đã hé lộ một vấn nạn trong hoạt động trùng tu, đó là sự thiếu hiểu biết dẫn đến sự can thiệp thô bạo, khiên cưỡng, làm sai lệch, biến dạng di tích, thậm chí là phá hoại giá trị văn hóa lịch sử, giá trị nghệ thuật kiến trúc cũng như cảnh quan chung của di tích.

Những tồn tại, yếu kém trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích thời gian qua cũng cho thấy, không phải cứ hoàn thành các bộ hồ sơ, trình lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là xong trách nhiệm của đơn vị quản lý về văn hóa, di sản. Cũng như không phải cứ cơ quan quản lý ở địa phương đứng ra làm chủ đầu tư thì di tích được trùng tu có thể đảm bảo chất lượng cũng như toàn vẹn các giá trị.

Để phòng tránh, chấn chỉnh những vụ việc tương tự, qua đó làm tốt hơn công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, rất cần có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục của các cơ quan chức năng. Đặc biệt, trong quá trình thẩm định các bộ hồ sơ dự án trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích nói chung, cần quan tâm thực hiện chặt chẽ công tác khảo sát, đánh giá hiện trạng, xây dựng các giải pháp cụ thể, sát sao với từng hạng mục, công trình, thành phần trong quần thể di tích. Có như vậy thì mới tránh được nguy cơ làm mất mát, suy giảm giá trị của di tích.

Xuyên Sơn