Bảo vệ người tiêu dùng khi giao dịch trên không gian mạng

Kinh tế - Ngày đăng : 15:46, 05/02/2023

(HNM) - Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt trên môi trường thương mại điện tử, không gian mạng, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội nhất trí đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh với tiến độ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2022) và thông qua tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2023).

Quang cảnh tọa đàm trực tuyến “Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để tăng cường bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng”, tháng 10-2022.

Các nền tảng trực tuyến và ứng dụng di động đang được sử dụng phổ biến tại các nước trong khu vực, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các hạn chế di chuyển được áp dụng đòi hỏi phải tăng cường sử dụng kênh mua hàng trực tuyến. Ngay cả khi hoạt động mua sắm trực tiếp được nối lại, nhu cầu của người tiêu dùng vẫn tiếp tục tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển ứng dụng thương mại điện tử. Bên cạnh đó, một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ đã có thể nắm bắt cơ hội kinh doanh mới thông qua sử dụng nền tảng truyền thông xã hội và nhắn tin trực tuyến. Điều này cho thấy, bán hàng qua mạng xã hội đang trở thành một kênh hữu ích.

Tuy nhiên, người tiêu dùng được đánh giá luôn ở vị trí yếu thế hơn trong các giao dịch trực tuyến. Theo số liệu của Bộ Công Thương, các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tăng nhanh cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng. Báo cáo của Liên minh chống lừa đảo toàn cầu (GASA) cũng cho thấy, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ lừa đảo qua mạng cao. Số vụ lừa đảo tại Việt Nam trong năm 2021 là 87.000 vụ, gây thiệt hại 374 triệu USD.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chính sách bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam hiện nay khá toàn diện nhưng khiếu nại vẫn gia tăng, do nhiều quy định của luật không còn phù hợp với thực tế nhưng chưa được điều chỉnh.

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, đặc biệt là trong môi trường thương mại điện tử, trên không gian mạng, với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ Công Thương đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng, hoàn chỉnh dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và trình Chính phủ ngày 8-6-2022. Dự thảo Luật cũng được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư tháng 10-2022; dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV vào tháng 5-2023.

Thông tin về những điểm mới của dự án luật này, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, để có thể điều chỉnh kịp thời các loại hình kinh doanh, giao dịch mới cũng như các hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có thể nảy sinh trong điều kiện chuyển đổi số, dự thảo luật đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch từ xa được thực hiện trên không gian mạng, là một trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.

"Điểm đáng lưu ý là, dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng; quy định trách nhiệm đối với tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian…", ông Trịnh Anh Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; buộc người dùng cài đặt các phần mềm, ứng dụng kèm theo nền tảng trực tuyến…

Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về định nghĩa người tiêu dùng, ví dụ như: Luật về quyền của người tiêu dùng của Anh năm 2015 (Khoản 3, Điều 2), Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Singapore năm 2003 (Điều 2, Phần I)... Đồng thời, cân nhắc thiết kế một mục riêng về kinh doanh trên không gian mạng, không gộp chung với mục “bán hàng từ xa” để tăng tính rõ ràng, thuận tiện trong áp dụng cho các đối tượng chịu sự điều chỉnh.

Theo các chuyên gia, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tiến bộ hơn rất nhiều so với luật cũ và được điều chỉnh rộng khắp nhiều lĩnh vực. Trong đó, các quy định, điều chỉnh về trách nhiệm của người bán hàng, các đơn vị trung gian và cả các quy định về nền tảng bán hàng, đăng ký gian hàng là những sửa đổi rất ý nghĩa, chắc chắn sẽ giúp cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung và giám sát các giao dịch đặc thù (trên không gian mạng) tốt hơn.

Thanh Hiền