Quy định mới về thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức nước ngoài
Kinh tế - Ngày đăng : 16:31, 31/03/2022
Nghị định 85/NĐ-CP bổ sung điều chỉnh đối với các thương nhân, tổ chức nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam tại Mục 5 Chương IV.
Theo đó, thương nhân, tổ chức nước ngoài có website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam là thương nhân, tổ chức có một trong các hình thức hoạt động sau như: Có tên miền Việt Nam hoặc có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Các thương nhân, tổ chức nước ngoài nói trên phải thực hiện đăng ký hoạt động thương mại điện tử theo quy định tại Nghị định 85/NĐ-CP và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình tại Việt Nam.
Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện hoặc nội dung ủy quyền phải bảo đảm các trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc ngăn chặn các giao dịch hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật Việt Nam. Đồng thời, phải thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo quy định của pháp luật Việt Nam; thực hiện nghĩa vụ báo cáo theo quy định tại Điều 57 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
Quy trình thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương được quy định tại Thông tư số 47/2014/TT-BCT ngày 5-12-2014 của Bộ Công Thương quy định về quản lý website thương mại điện tử (Thông tư 47); Thông tư số 59/2015/TT-BCT ngày 31-12-2015 của Bộ Công Thương quy định về quản lý hoạt động thương mại điện tử qua ứng dụng trên thiết bị di động (Thông tư 59); Thông tư số 01/2022/TT-BCT ngày 18-1-2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 47 và Thông tư số 59.
Nghị định số 85/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2022. Để có thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam, thương nhân, tổ chức nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương trong vòng 12 tháng kể từ ngày nghị định này có hiệu lực.