Tạo chuyển biến để tăng trưởng
Kinh tế - Ngày đăng : 06:20, 01/04/2022
Nhìn thẳng, nói thật
Năm 2021 vừa qua, khắc phục khó khăn do dịch Covid-19, Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát với các kết quả quan trọng, toàn diện, trong đó nhiều chỉ tiêu và nhiệm vụ chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Tuy nhiên, dưới ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, một số chỉ tiêu về kinh tế đã không đạt yêu cầu. Đó là tăng trưởng GRDP cả năm 2021 chỉ tăng 2,92% trong khi kế hoạch đề ra là 7,5%. Bên cạnh đó, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển xã hội đạt 410,1 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% (kế hoạch là tăng 10%); kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 15 tỷ USD, tăng 0,9% (kế hoạch đề ra là 5%). Ngoài ra, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,524 tỷ USD; vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách năm 2021 đạt 23.850 tỷ đồng. Năm 2021, có 24.120 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 345,72 nghìn tỷ đồng (giảm 9% về số doanh nghiệp; giảm 16% vốn đăng ký so với năm 2020).
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, nguyên nhân chủ yếu là trong thời gian giãn cách xã hội để phòng dịch Covid-19, ngành dịch vụ (chiếm trên 63% GRDP) bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong đó, khách du lịch quốc tế giảm 78,3%, khách du lịch trong nước giảm 16,9% so với năm 2020. Từ đó kéo theo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 558,14 nghìn tỷ đồng, giảm 4,6% so với năm 2020..., kéo tăng trưởng cả năm của Thủ đô đạt thấp.
Đối với công tác phát triển doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội Đậu Ngọc Hùng cho rằng, sự bùng phát mạnh của dịch Covid-19 cùng với các đợt giãn cách kéo dài liên tiếp làm cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt trong quý III-2021, khiến các nhà đầu tư e ngại.
Trước thực trạng trên, ngay từ cuối năm 2021, Ban Cán sự đảng và tập thể UBND thành phố đã thẳng thắn, cầu thị và chỉ ra các nhóm tồn tại, hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức trong việc điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2021 như: Kinh tế duy trì tăng trưởng nhưng tăng thấp hơn kế hoạch; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giảm; thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước chưa đạt như kỳ vọng...
Để có thể hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra, UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị, địa phương khẩn trương hoàn thiện kịch bản thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 của cấp, đơn vị quản lý; tập trung phát triển các ngành kinh tế tiềm năng, là trụ đỡ của các lĩnh vực còn lại; trong đó, xác định rõ lộ trình thực hiện trong từng quý; bảo đảm hoàn thành cao nhất các mục tiêu đã đề ra.
Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, đơn vị đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích thích tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới”, tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án trên địa bàn. Ngay từ đầu năm, Sở đã tập trung tối đa nguồn lực, nâng cao hiệu quả đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công của thành phố và cấp huyện, đặc biệt là những địa bàn có tỷ lệ giải ngân thấp trong năm 2021.
Trong khi đó, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thời gian qua, Sở nỗ lực cùng cơ quan chức năng bảo đảm cân đối cung - cầu các mặt hàng thiết yếu, đồng bộ các giải pháp cùng với các sở, ban, ngành thành phố nhằm kiềm chế mức giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất... Sở cũng tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trung tâm thương mại; nghiên cứu, đề xuất một số tiêu chí cơ bản của mô hình trung tâm Outlet (nơi bán những hàng tồn kho của các cửa hàng chính hãng từ mùa trước đó...) trên địa bàn thành phố.
Về phía các địa phương, Chủ tịch UBND quận Đống Đa Lê Tuấn Định cho biết, quận quyết tâm tạo đột phá trong cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức, công dân.
Nhờ có những giải pháp đồng bộ và vào cuộc tích cực của các địa phương, đơn vị, trong quý I, kim ngạch xuất khẩu của Thủ đô đạt 3,597 tỷ USD, tăng 6,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1%; thu hút thêm 513,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài; có 5.965 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 63,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2% về số lượng và tăng 4% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Với mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, thành phố đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thu hút vốn đầu tư để bổ sung nguồn lực cho nền kinh tế. Những kết quả tích cực trong quý I là tiền đề quan trọng để thành phố phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra.