Nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn: Một bài hát thành công là khi chạm tới tình cảm của khán giả
Xã hội - Ngày đăng : 21:02, 02/04/2022
- Lên 5 tuổi anh đã theo cha vào Quảng Bình, sau đó sống ở Đà Nẵng; năm 13 tuổi anh ra Hà Nội học về âm nhạc phương Tây. Điều gì đã đưa anh trở về với âm nhạc dân gian, sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân gian như “Nắng quê”, “Miền Trung ơi”, “Đêm thành Vinh”...?
- Mặc dù chỉ sống ở Nghệ An 5 năm nhưng trong tôi chất Nghệ vẫn thấm đẫm. Điều đó một phần được nuôi dưỡng bởi gia đình. Tôi rất thích dân ca, đặc biệt là yêu thích ví giặm xứ Nghệ. Tôi may mắn được đi nhiều nơi. Mỗi chuyến đi giúp tôi tích lũy kiến thức về bản sắc văn hóa vùng miền. Ví dụ, bài “Đêm thành Vinh” là tôi phổ nhạc từ bài thơ của bố. Hay bài “Miền Trung ơi” (phổ thơ Nguyễn Thế Kỷ) tôi viết trong đợt lũ lụt năm 2020. Tôi đồng cảm với tác giả thơ và mong muốn bài hát phản ánh nỗi niềm của những người con xa quê luôn đau đáu với quê hương. Năm 1977 - 1978, cha tôi vào công tác ở Quảng Bình, mẹ thì đi học, hai anh em ở với bà. Bài thơ ấy khiến tôi nhớ về tuổi thơ, và sau khi đọc bài thơ tôi đã viết nhạc ngay trong đêm hôm ấy.
Có thể nói, ví giặm thì hầu như người dân xứ Nghệ nào cũng hát được, không ít thì nhiều. Tôi cũng được tiếp xúc với dân ca xứ Nghệ từ bé. Bố tôi tuy hát không hay nhưng ông có thể ứng tác. Mẹ tôi là cô giáo mầm non và cũng là một cây văn nghệ của xóm. Khi tôi bắt đầu đi học lớp 1, mẹ đã dạy cho tôi những nốt nhạc đầu tiên. Quê hương trong tâm thức của tôi là những cánh đồng, những mái nhà lúp xúp, những con trâu, lũy tre làng... Điều đặc biệt là sự chân tình mà người xứ Nghệ dành cho nhau. Nhạc sĩ An Thuyên có câu hát “Trưa nắng hè gọi nhau râm ran chè xanh”. Trong những bài hát của tôi cũng có những hình ảnh tương tự, nói về sự chia sẻ, đùm bọc của người quê.
- Bên cạnh những sáng tác mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ, anh cũng có nhiều bài hát đậm chất dân ca Bắc Bộ, dân ca Tây Bắc?
- Đối với tôi, những chuyến đi là để nạp năng lượng và tích lũy kiến thức, cảm xúc. Đó là những miền văn hóa. Không phải đến lúc mình viết thì mới tìm hiểu, mà kiến thức ấy đã ngấm vào mình rồi, khi viết ra sẽ rất nhanh. Từ những địa danh, những câu chuyện kể, cách người dân địa phương dùng từ... tôi đều ghi chú. Gần đây nhất là một bài hát về Quảng Ngãi, tôi sử dụng chất liệu bài chòi. Tôi mong muốn tạo được một “bản đồ âm nhạc” với hầu hết các tỉnh, thành phố của nước ta.
- Anh thấy điều gì là thú vị nhất trong hành trình lập “bản đồ âm nhạc” như vậy?
- Viết, dựa trên chất liệu dân ca của nhiều vùng miền sẽ giúp mình tránh được lối mòn. Cảm xúc ban đầu bao giờ cũng đọng lại, đáng nhớ nhất, giống như mối tình đầu. Cảm xúc ấy khiến mình nhớ nhất, nhưng không có nghĩa bài hát mà mình sáng tác dựa trên cảm xúc đó sẽ hay nhất. Sáng tác âm nhạc cũng cần thời gian thẩm thấu. Chẳng hạn, khi tôi viết về Hà Giang, đến bài thứ 3 là “Về Hà Giang” thì mới được công chúng đón nhận. Trước đó tôi viết bài “Mùa hoa tam giác mạch” và “Lời yêu”, mặc dù đã được sử dụng trong nhiều sự kiện nhưng nếu tính lượt view trên YouTube thì bài “Về Hà Giang” lại nhiều hơn cả.
Đối với tôi, một bài hát thành công là khi chạm được tới tình cảm của khán giả, nếu không thì chỉ dừng lại ở mức độ viết cho cá nhân thôi.
- Ca khúc của anh thường có tiết tấu nhanh, gọn, khúc chiết. Ngoài cảm xúc thì kỹ thuật trong sáng tác cũng là ưu điểm của nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn?
- Hầu như các sáng tác của tôi đều vui, nếu có buồn thì cũng nhẹ nhàng, man mác chứ không bi lụy. Tôi xuất thân là một nhạc công, việc nắm được “hơi thở” của âm nhạc đương đại là điều không quá khó. Trong các sáng tác mang âm hưởng dân ca, tôi đều đưa tiết tấu hiện đại vào, làm cho các bài hát đó gần hơn với công chúng hiện nay.
- Có người nói Hồ Trọng Tuấn là một An Thuyên khác?
- Nếu được ví với thầy An Thuyên thì đó là vinh dự của tôi. Tôi được gắn bó với thầy trong một khoảng thời gian dài. Với những bản chép tay bài hát của thầy, tôi là người được thầy giao phó công việc đưa lên máy tính. Đó chính là cơ hội để tôi được học hỏi từ thầy. Tuy vậy, âm nhạc của tôi và thầy không có nhiều điểm tương đồng. Có chăng là tôi học được thủ pháp sáng tác, cách dùng ca từ đậm hồn quê. Sau này, tôi chịu ảnh hưởng từ thầy Đức Trịnh nhiều hơn, đặc biệt là nhạc múa. Bên cạnh ca khúc, tôi còn có hơn 20 bài nhạc múa được dàn dựng và được trao nhiều huy chương trong các hội diễn.
- Cảm ơn nhạc sĩ đã chia sẻ!