Tiết kiệm nguồn tài nguyên

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 02/04/2022

(HNM) - Nước ngầm là tài nguyên vô cùng thiết yếu cho cuộc sống, rất cần được con người bảo vệ, giữ gìn, khai thác và sử dụng hợp lý. Trên tinh thần đó, Hà Nội đã xây dựng lộ trình ngừng khai thác nước ngầm gắn với mốc thời gian, kế hoạch cụ thể, nhằm quản lý tài nguyên nước hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Theo kế hoạch, các nhà máy khai thác nước ngầm trên địa bàn Thủ đô sẽ giảm dần công suất, đến năm 2050 lượng nước ngầm được khai thác chỉ còn 413.000m3/ngày - đêm (hiện tại là 700.000m3/ngày - đêm); một số nhà máy khai thác nước ngầm sẽ đóng cửa hoàn toàn các giếng khai thác như: Nhà máy Nước Hạ Đình (Công ty TNHH một thành viên Nước sạch Hà Nội); Nhà máy Nước Tương Mai, Nhà máy Nước Pháp Vân... Bù lại lượng nước ngầm không khai thác, thành phố đang đẩy mạnh việc xây dựng các nhà máy khai thác nước mặt của sông Hồng, sông Đà, sông Đuống..., với mục tiêu bảo đảm đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của toàn thành phố.

Lộ trình nêu trên sẽ tác động tích cực đến sự thay đổi trong cả tư duy, nhận thức và cơ chế quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Thực tế, một thời gian dài trước đây, tài nguyên nước ngầm chưa được nhìn nhận đúng giá trị, công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ. Chính vì thế, việc khai thác quá đà, không đúng kỹ thuật, không phù hợp với địa chất, thủy văn... đã gây ra những hậu quả nguy hiểm, lâu dài. Minh chứng rõ nhất là một số vụ sụt lún đất xảy ra ở các huyện Mỹ Đức, Chương Mỹ trong thời gian qua đã được các chuyên gia khẳng định nguyên nhân có liên quan đến khai thác nước ngầm quá mức.

Nhằm bảo đảm an ninh, an toàn cấp nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, tiết kiệm nguồn tài nguyên quý giá này thì trước hết, các sở, ngành, địa phương liên quan của thành phố cần triển khai hiệu quả Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 6-4-2021, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cùng với đó, các nhà máy khai thác nước ngầm phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho lộ trình giảm dần, tiến đến đóng cửa các giếng khai thác. Trong kế hoạch, phải rõ giải pháp cung cấp nước cho khách hàng từng giai đoạn, không làm xáo trộn đến cuộc sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân.

Yếu tố góp phần bảo đảm cho việc dừng khai thác nước ngầm theo đúng kế hoạch là triển khai đúng tiến độ, chất lượng việc xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng; nâng công suất Nhà máy Nước mặt sông Đà, sông Đuống... Hiện nay, một số dự án đang chậm tiến độ, vì thế, cơ quan chức năng cần sát sao giám sát thi công, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư... để các công trình sớm hoàn thành.

Ngoài ra, để chấm dứt tình trạng tự ý khoan giếng nước ngầm trong cộng đồng dân cư, UBND cấp xã cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tuân thủ quy định về khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm tiết kiệm, hợp lý; trám lấp các giếng khoan đúng kỹ thuật...

Tài nguyên nước ngầm tại khu vực Hà Nội tuy phong phú nhưng phân bổ không đều, nên cơ quan chức năng cần công bố khu vực nào được khai thác, khu vực nào không được khai thác và giám sát chặt chẽ việc thực hiện. Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng mạng lưới cấp nước sạch của thành phố, có chính sách phù hợp để thay đổi nhận thức người dân trong sử dụng nước tiết kiệm...

Khi những điều kiện cần và đủ được thực hiện song hành, việc ngừng khai thác nước ngầm sẽ về đích đúng kế hoạch. Từ đó, tài nguyên nước ngầm sẽ được quản lý hiệu quả, khai thác một cách hợp lý và tiết kiệm, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước và cấp nước an toàn, bền vững lâu dài cho Thủ đô.

Thiện Mỹ