Giúp người lao động vượt ''bão giá''
Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 02/04/2022
Khó chồng khó
Từ khi trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán, chị Bùi Mai Anh (quê ở tỉnh Hòa Bình, thuê trọ tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) sáng nào cũng tất bật dậy sớm để nấu cơm mang đi ăn trưa. Chị Mai Anh chia sẻ, giá một bữa ăn trưa trước đây khoảng 30.000-35.000 đồng thì nay lên giá 40.000-45.000 đồng, trong khi thu nhập không tăng nên tôi quyết định mang cơm đi làm để tiết kiệm.
Còn theo anh Nguyễn Văn Anh (quê ở tỉnh Thanh Hóa), công nhân Công ty cổ phần Hanel xốp nhựa (Khu công nghiệp Sài Đồng B, quận Long Biên), thời gian nghỉ giãn cách vì dịch bệnh, thu nhập của anh giảm đáng kể. Nay vừa trở lại đi làm đã phải đối mặt với việc nhiều mặt hàng thiết yếu lần lượt tăng giá...
Tương tự, chị Phạm Bích Hà (phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa) vốn là nhân viên nấu ăn tại một trường mầm non tư thục, đã thất nghiệp từ khi trường đóng cửa vì dịch, cho biết, giá xăng tăng gần 30.000 đồng/lít, kéo theo giá gas cũng tăng 40.000 đồng/ bình 12kg so với trước, món ăn phổ thông nhất là mì tôm cũng tăng giá khiến chị phải cân nhắc chuyển từ mì gói sang mì cân để cân đối thu chi. Hiện các con đang học trực tuyến nên chị gửi chúng về quê với ông bà, vì thế chi phí cũng đỡ phần nào. Mấy bữa nữa đón con lên học trực tiếp thì phải tiếp tục xoay xở...
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý I-2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, lạm phát cơ bản tăng 0,81% so với cùng kỳ năm trước. Cũng theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Hướng đến người lao động
Đồng tình với việc giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao đang gây khó khăn cho đời sống người lao động, song Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (Cụm công nghiệp Quất Động, huyện Thường Tín) Nguyễn Xuân Huy cũng cho biết, trong 2 năm có dịch Covid-19, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 116/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp… Gần đây, người lao động rất phấn khởi khi biết sẽ được hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… Sự quan tâm kịp thời này đã giúp người lao động vơi bớt nỗi lo để vượt qua khó khăn.
Về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh khẳng định, Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg là nhằm góp phần phục hồi thị trường lao động qua việc hỗ trợ, thu hút lao động quay lại thị trường, chia sẻ, hỗ trợ người lao động còn khó khăn về nhà ở. Người lao động có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên đều có cơ hội được hỗ trợ. Kế hoạch triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg sẽ sớm được cơ quan chức ban hành, bảo đảm trình tự, thủ tục thực hiện nhanh gọn, thuận lợi cho người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Lê Đình Hùng, bữa ăn ca rất quan trọng để người lao động có đủ sức khỏe làm việc. Năm 2022, Liên đoàn Lao động thành phố sẽ tiếp tục quan tâm, hướng dẫn công đoàn cơ sở cùng người sử dụng lao động nâng mức bữa ăn, coi đây là một giải pháp chăm lo đời sống công nhân, người lao động. Đối với doanh nghiệp tự tổ chức nấu bữa ăn, giá trị bữa ăn ca tối thiểu từ 20.000 đồng trở lên, doanh nghiệp thuê đơn vị cung cấp suất ăn, giá trị bữa ăn ca tối thiểu từ 25.000 đồng trở lên.
Song, trong nỗi lo giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đang đồng loạt đi lên thì người lao động cũng được động viên thêm khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022. Theo lý giải của đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đây chính là giải pháp chia sẻ khó khăn với người lao động vốn gặp nhiều khó khăn do đại dịch, lại đang phải quay cuồng trong cơn “bão giá” hiện nay.
Dù chính sách còn chờ cơ quan chức năng xem xét, quyết định, song là động lực, để người lao động thêm tin tưởng chất lượng cuộc sống công nhân, người lao động sẽ tiếp tục được cải thiện trong thời gian tới.