Ánh sáng từ niềm tin

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:47, 02/04/2022

(HNM) - Không có ánh sáng từ đôi mắt, nhiều người khiếm thị đã vượt lên số phận, hòa nhập cộng đồng bằng ánh sáng của tri thức, nghị lực, niềm tin. Với những người được sinh hoạt trong tập thể hội vững mạnh, sáng tạo như Hội Người mù quận Thanh Xuân, ánh sáng từ niềm tin vào bản thân, tương lai và những điều tốt đẹp trong cuộc sống càng được củng cố, bồi đắp.

Cuộc thi “Tìm kiếm tài năng người khiếm thị Thủ đô” do Hội Người mù quận Thanh Xuân đề xuất tổ chức đã thu hút nhiều hội viên tham gia.

“Thuyền trưởng” đa năng

Được nghe, được chứng kiến những việc mà ông Nguyễn Tiến Thành - Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân làm, chúng tôi mới hiểu vì sao nhiều hội viên gọi ông bằng cái tên đầy trân quý: "thuyền trưởng". Tìm gặp "thuyền trưởng" vào một ngày cuối tháng 3-2022, phóng viên Báo Hànộimới được ông Nguyễn Tiến Thành tiếp đón bằng nụ cười hiền hậu, nét mặt tươi vui, lạc quan thường thấy.

Vị "thuyền trưởng" chia sẻ, sau thời gian dài các hoạt động gần như đóng băng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ông đã đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc thi “Tìm kiếm tài năng người khiếm thị Thủ đô” lần I năm 2022, tạo sân chơi hữu ích cho người khiếm thị. Cuộc thi nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của hội viên cụm thi đua số 2, thuộc Hội Người mù thành phố Hà Nội, gồm các quận: Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân. Tại vòng chung khảo diễn ra ngày 27-3 vừa qua, Ban Tổ chức hội thi đã chọn 12 tiết mục xuất sắc để trao giải, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì.

Giành giải Nhất cuộc thi, hội viên Nguyễn Thành Công (Hội Người mù quận Thanh Xuân) chia sẻ: “Khi tham gia những sân chơi bổ ích, chúng tôi có cơ hội tự tin tỏa sáng, thể hiện khả năng theo cách riêng của bản thân. Điều này giúp chúng tôi nâng cao năng lực giao tiếp, hòa nhập xã hội”.

Là người theo dõi cuộc thi, anh Nguyễn Việt Anh, trú tại khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) đánh giá: “Sân chơi nghệ thuật của người khiếm thị hội tụ nhiều tiết mục đa dạng (tấu hài, uốn dẻo, khiêu vũ, cắm hoa nghệ thuật, âm nhạc...), đến người bình thường thực hiện còn khó. Vậy mà những người không nhìn thấy ánh sáng có thể biểu diễn một cách uyển chuyển, linh hoạt. Thật đáng khâm phục!”.

Ngoài cuộc thi tìm kiếm tài năng người khiếm thị, những năm gần đây, ông Nguyễn Tiến Thành còn xây dựng, tổ chức nhiều chương trình thiết thực, hữu ích, góp phần mang đến cơ hội hòa nhập, vươn lên cho những mảnh đời kém may mắn. Với những hội viên không thể tham gia sinh hoạt do sức khỏe yếu, Hội Người mù quận Thanh Xuân phối hợp với các tình nguyện viên đến tận nhà hỗ trợ họ và con em họ các kiến thức, kỹ năng cần thiết.

Quan tâm đến đời sống hội viên, Hội Người mù quận Thanh Xuân thường xuyên mời các diễn giả, chuyên gia tư vấn, hướng dẫn họ cách bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bí quyết xây dựng gia đình hạnh phúc, sống hữu ích, mở lớp tập yoga, nhảy zumba, kết nối, giới thiệu việc làm cho hội viên. Vào dịp lễ, Tết, Hội Người mù quận Thanh Xuân chủ động liên hệ, vận động nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trao quà, trợ cấp đến các hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, việc tổ chức đám cưới tập thể cho các cặp vợ chồng người khiếm thị có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Hà Nội do Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành khởi xướng, đã mang lại niềm hạnh phúc ngọt ngào cho nhiều lứa đôi...

Với công việc nào, Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cũng làm bằng tất cả nhiệt huyết, đam mê, góp phần lan tỏa lối sống tích cực cho những người xung quanh. Đồng hành với Hội Người mù quận Thanh Xuân trong một số hoạt động, Tổng Giám đốc Trung tâm tiệc cưới và tổ chức sự kiện Sapphire Center (quận Ba Đình) Nguyễn Minh Thảo cho biết: “Tôi cảm động trước tài năng và tấm lòng thương người như thể thương thân của ông Nguyễn Tiến Thành, nên đã chung tay mang đến những món quà ý nghĩa cho người khiếm thị”.

Những hội viên tự tin tỏa sáng 

Dưới sự chèo lái của “thuyền trưởng” đa năng, Hội Người mù quận Thanh Xuân ngày càng phát triển, hiện có 107 hội viên tham gia sinh hoạt đều đặn. Đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ngày càng nâng cao, không còn gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo. Điều đáng ghi nhận, nhiều hội viên được tiếp thêm động lực, niềm tin để phát huy năng lực, sở trường, tự tin hòa nhập, tỏa sáng theo cách riêng của họ. Trong số đó, gây ấn tượng nhất phải kể đến hội viên trẻ Khương Thị Bích Hằng (26 tuổi).

Tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tháng 7-2021, Khương Thị Bích Hằng có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt. Hiện tại, cùng với việc ôn thi cao học, Hằng đảm nhận nhiệm vụ Trưởng ban Nội dung của Dự án "The EYES Project" - dự án kết nối cộng đồng người khiếm thị và cộng đồng người không khiếm thị, tham gia nhiều phong trào tình nguyện, thường xuyên dạy tiếng Anh miễn phí cho người khiếm thị. Trong các hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân, Khương Thị Bích Hằng là người dẫn chương trình, lên ý tưởng cho nhiều sự kiện, làm giáo viên của câu lạc bộ tiếng Anh với 10 hội viên theo học...

“Sinh hoạt trong tập thể tập hợp những người vững vàng ý chí vượt lên hoàn cảnh giúp tôi hiểu rõ một điều, ánh sáng của đời người có thể được thắp lên từ tri thức, niềm tin vào những điều tốt đẹp. Vì thế, tôi sẽ nghiên cứu phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người khiếm thị, giúp nhiều người dễ dàng học tập, qua đó tăng cơ hội hòa nhập”, chị Khương Thị Bích Hằng tâm sự.

Trường hợp hội viên khác lan tỏa những việc làm hữu ích, lối sống tích cực đến những người xung quanh là hội viên Nguyễn Hữu Miền (75 tuổi). Sau khi tham gia các lớp học yoga, kỹ năng sống, ông Miền ý thức được việc phải cải thiện sức khỏe, nên đã duy trì luyện tập yoga hằng ngày. Điều đáng quý là trong quá trình luyện tập, ông tự xây dựng “giáo trình” tập luyện cho bản thân và những người khiếm thị. Nhờ đó, ông Miền có thể chinh phục những động tác khó của yoga và hướng dẫn những người xung quanh cùng tập. Từ kiến thức xoa bóp, bấm huyệt theo phương pháp điện sinh học được trang bị, ông Miền hỗ trợ chữa bệnh cho nhiều người cùng hoàn cảnh, bà con lối xóm. Bà Trần Thị Thạch, cùng trú tại ngõ 521, phố Vũ Tông Phan (quận Thanh Xuân) với gia đình ông Miền cho hay: “Sau nhiều lần được ông Miền hỗ trợ điều trị theo phương pháp điện sinh học, sức khỏe của tôi đã chuyển biến tốt hơn”.

Cũng nhờ được tiếp thêm động lực để vươn lên, hội viên Cao Thị Thu Hiền cùng chồng mở cơ sở tẩm quất, bấm huyệt mang tên “Huyện Hiền” tại ngõ 7, phố Thái Hà (quận Đống Đa), mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình và tạo việc làm cho nhiều lao động khiếm thị...

Đánh giá về hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội Lê Trung Quyết cho biết: “Việc được tạo cơ hội để giao lưu, sinh hoạt, học tập, làm việc, giúp người khiếm thị vượt qua những rào cản của bản thân, nâng cao năng lực hòa nhập. Các hoạt động của Hội Người mù quận Thanh Xuân xứng đáng để các đơn vị khác học hỏi kinh nghiệm. Tôi hy vọng và tin tưởng, ông Nguyễn Tiến Thành cũng như các hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân sẽ tiếp tục lan tỏa tấm gương vượt khó, góp phần thắp lên ánh sáng của tri thức, niềm tin cho cộng đồng người khiếm thị quận Thanh Xuân nói riêng, Thủ đô nói chung”.

Minh Ngọc