Củng cố, bồi đắp truyền thống thanh lịch, văn minh
Văn hóa - Ngày đăng : 05:42, 03/04/2022
Thiết thực bồi đắp giá trị gia đình
Trong đời sống văn hóa của người Việt, gia đình giữ vị trí hết sức quan trọng, là nơi con người được đáp ứng các nhu cầu về tình cảm, là cái nôi nuôi dưỡng, giáo dục, rèn luyện của mỗi thành viên trong gia đình. Chính nếp ứng xử trong gia đình giúp hình thành nên giá trị văn hóa của người Việt, thể hiện qua sự hòa thuận, lòng chung thủy, lối sống tình nghĩa, tình yêu thương và hy sinh cho con cái, tôn trọng và hiếu đễ với cha mẹ. Xã hội càng phát triển với nhiều biến động thì nếp nhà càng được xem là nền tảng, niềm tự hào và điểm tựa cân bằng cho mỗi cá nhân.
Trong gia đình Việt Nam truyền thống, mối quan hệ giữa ông bà, cha mẹ, con cháu được xây dựng theo một tôn ti, trật tự nhất định, có trên có dưới. Ở đó có tình nghĩa vợ chồng sâu nặng, có tình yêu thương giữa cha mẹ với con cái, sự hiếu thảo, tinh thần trách nhiệm và nghĩa vụ của con cái, cháu chắt đối với các bậc sinh thành.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan từng tự hào chia sẻ: “Gia đình tôi là gia đình nho giáo, bố tôi là học trò của cụ Lương Văn Can - người theo phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, cho nên cụ là người tiêu biểu cho lối sống nho giáo, nền nếp, chỉn chu. Tôi là con út trong nhà có 7 anh chị em. Ngày mùng 1, 7 anh chị em tôi xếp hàng nối tiếp nhau để chúc Tết bố mẹ và bao giờ cũng phải nghĩ được một câu hay nhất, không trùng ai. Sau khi chúc xong, cụ lấy trong túi áo cánh bên trong một phong bao được làm từ giấy hồng điều gấp lại, đặt trong đó một đồng tiền xu mang niên hiệu Bảo Đại. Mỗi người được một đồng như thế và lập tức chạy ra ngõ mua kẹo kéo...”.
Nhìn từ truyền thống để thấy, nếp ứng xử thể hiện sự quan tâm, "kính trên nhường dưới", mối quan hệ gắn bó trong gia đình cùng nhiều nét đẹp khác đã góp phần hình thành nhân cách, tạo nên gia phong, củng cố, bồi đắp nét ứng xử văn minh, thanh lịch của mỗi người trong gia đình và ngoài xã hội.
Được ban hành trong bối cảnh tỷ lệ ly hôn gia tăng, đặc biệt là trong thời gian gần đây liên tiếp xảy ra nhiều chuyện đau lòng có nguyên nhân từ bạo lực gia đình, nhất là bạo hành trẻ em..., Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là văn bản cần thiết, thiết thực, là cơ sở để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động gia đình Việt Nam quan tâm giữ vững nếp nhà.
Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những câu chuyện buồn trong gia đình. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, lối sống công nghiệp khiến con người tự chủ hơn, năng động hơn, song cũng kéo theo những biến đổi về văn hóa gia đình ngày càng rõ nét. Nếp sinh hoạt nhiều thay đổi. Mô hình gia đình đa dạng, phức tạp ít nhiều khiến mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo... Nhiều nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng không có lợi cho sự hình thành nhân cách của giới trẻ cũng như lối ứng xử của các thành viên trong gia đình, đòi hỏi mỗi "tế bào xã hội" vừa phải duy trì giá trị cốt lõi song cũng phải thích ứng, điều chỉnh để gia tăng gắn kết giữa các thành viên, xây dựng gia đình bền vững.
Hưởng ứng của người dân là vô cùng quan trọng
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình”.
Chính vì thế, xây dựng gia đình Việt Nam trở thành tế bào khỏe mạnh của xã hội là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước, là nguyện vọng của mọi người dân. Và Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành được kỳ vọng giúp nâng cao văn hóa ứng xử trong gia đình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại về tính khả thi của văn bản này, đặt câu hỏi làm thế nào để Bộ tiêu chí phát huy hiệu quả trong đời sống.
Theo đại diện cơ quan ban hành thì hình thức phổ biến truyền thông Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình chủ yếu qua loa đài, truyền hình, báo chí, tờ rơi, đồng thời khuyến khích các địa phương có hình thức khen thưởng, biểu dương cho những gia đình gương mẫu thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế, ngay từ lúc triển khai thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã vướng phải không ít hạn chế như khó khăn trong việc triển khai, tuyên truyền ở những vùng dân cư thưa, số lượng hộ gia đình tham gia các buổi sinh hoạt chuyên đề chưa nhiều, thêm vào đó vẫn còn tồn tại một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến câu chuyện này, cũng như nếp sống, nếp nghĩ vẫn còn bảo thủ, lạc hậu...
Bà Nguyễn Thị Phi, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cho biết: “Là một trong 5 mô hình thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, một năm qua khó khăn lớn nhất là dịch Covid-19 xuất hiện, xã không tổ chức được các hội nghị tuyên truyền trực tiếp. Chính vì thế cán bộ xã đã phải linh hoạt chuyển tải thông điệp bằng nhiều hình thức khác nhau như trên loa đài, sinh hoạt thành những nhóm nhỏ... Đồng thời, xã Kim Sơn hiện cũng có nhiều câu lạc bộ (CLB) như CLB Phụ nữ lên tiếng về uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông, CLB Nữ thanh niên, CLB Gia đình hạnh phúc... cùng phối hợp để tuyên truyền Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Kết quả năm vừa qua, cùng với chuyển biến trên nhiều mặt, tỷ lệ gia đình văn hóa của xã đạt 96,5% - 98%, tình trạng bạo lực gia đình giảm”.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long thì khẳng định: “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã nói lên mong ước của xã hội, của các nhà quản lý về một gia đình mà ở đó anh em hòa thuận, vợ chồng yêu thương nhau. Những nội dung của Bộ tiêu chí khá sát thực với yêu cầu của đời sống và đây là lần đầu tiên những tiêu chí cơ bản mà một gia đình cần có được chỉ ra bằng văn bản. Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình còn kế thừa được những nét đẹp văn hóa của dân tộc như “kính trên nhường dưới”, “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, “anh em như thể chân tay”...”.
Để Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được người dân đón nhận và thực hành hiệu quả, theo bà Nguyễn Thị Phi, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền đa dạng về hình thức, phong phú, sinh động về nội dung, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong định hướng về giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử cho thế hệ trẻ. Đặc biệt, rất nên khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai, thực thiện bộ tiêu chí này.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức cho rằng, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình là văn bản có tính định hướng, khuyến khích người dân thực hành theo những tiêu chí được nêu ra để xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Chính vì thế, để văn bản đi vào cuộc sống và tạo hiệu quả thiết thực thì sự hưởng ứng của người dân là rất quan trọng. Mỗi người, mỗi gia đình cần coi đó là chuẩn mực để tự sửa mình, điều chỉnh hành vi, cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội.
Rõ ràng, sự ra đời của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trong thời điểm hiện tại là việc làm ý nghĩa, góp phần từng bước đưa vào cuộc sống các chuẩn mực, giá trị đạo đức, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng, giữ gìn hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình. Khi mỗi gia đình trở nên tiến bộ, văn minh hơn thì các hành vi không đẹp, không phù hợp chuẩn mực chung, hành vi bạo lực gia đình sẽ giảm dần, đó chính là nền tảng để xây dựng một cộng đồng hạnh phúc, phồn vinh.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được ban hành kèm theo Quyết định 224/QĐ-BVHTTDL ngày 28-1-2022, gồm 5 tiêu chí sau:
1. Tiêu chí ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ.
2. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình.
3. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương.
4. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép.
5. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.
Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được phổ biến và áp dụng với mọi gia đình và các thành viên gia đình Việt Nam.