''Cây kèn và chiếc khẩu trang'' - lắng đọng tình người!
Sách - Ngày đăng : 06:00, 03/04/2022
Một trong những bức ảnh lưu lại khoảnh khắc cao đẹp ấy - tấm ảnh nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn đeo khẩu trang được đục lỗ phía trước để thổi kèn - đã được in trên bìa của cuốn sách “Cây kèn và chiếc khẩu trang” do Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu mới đây.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, nhiều nghệ sĩ đã “nhập cuộc” cùng với chính quyền và người dân thành phố. Họ tổ chức bếp ăn từ thiện, quyên góp hàng hóa, lương thực, tham gia vận chuyển bình oxy... Và các “chiến sĩ” trên "mặt trận" văn hóa văn nghệ ấy mang đến những tác phẩm nghệ thuật để có thể động viên tinh thần, chia sẻ khó khăn với lực lượng tuyến đầu, cổ vũ ý chí vượt qua nghịch cảnh với các bệnh nhân, xua tan bớt những ưu phiền, lo lắng, đau buồn của người dân. Ấn phẩm “Cây kèn và chiếc khẩu trang” đã tập hợp 194 sáng tác văn học, âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và nhiếp ảnh của 138 tác giả văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh trong những ngày chiến đấu cùng dịch bệnh vừa qua.
Đó là những ca khúc như “Thành phố ơi! Ngày mai trời lại sáng” của Nguyễn Ngọc Thiện, “Sài Gòn hãy vững tin” của Bích Liễu, “Ba mẹ con đâu?” của Lê Đình Dũng, “Ấm áp cây gạo nghĩa tình” của Đặng Quang Vinh, “Chào đời mồ côi” của Vũ Hải Long...; những thi phẩm như “Cảm ơn những bàn tay” của Hồ Tịnh Văn, “Chào mẹ” của Kim Quyên, “Người lính trẻ lần đầu vào thành phố” của Huỳnh Dũng Nhân, “Mai con trở về” của bác sĩ Y Tuin Niê...; những bức ảnh “Việt Nam chiến thắng” của Hoàng Bích Nhung, “Nỗi đau Covid-19” của Kiều Anh Dũng, tranh sơn dầu “Thắp tin yêu” của Trần Văn Mạnh, tranh màu nước “Người mẹ thứ 2” của Nguyễn Nguyên...
Ra đời ngay trong những ngày tâm dịch, các tác phẩm trong cuốn sách là lời kể chân thực và cảm xúc lay động nhất về cuộc sống mà chính các tác giả đã trải qua. Như trong nhạc phẩm “Sài Gòn mắt lệ tình người”, nhạc sĩ Lưu Khương Ninh xót xa: “Sài Gòn tôi ơi, chỉ thấy hàng quán im lìm, cao ốc cửa đóng then cài, chiếc áo u buồn nào khoác lên thành phố kiêu sa. Sài Gòn trong cơn đau, nên thành phố buồn. Lệ tràn đôi mi khi vang lên tiếng hú còi xe cứu thương, lệ tràn đôi mi vì bao người sống quên mình, hy sinh lặng lẽ nơi tuyến đầu, ngày đêm vì mạng sống bao con người...”.
Không chỉ là lời tri ân của các văn nghệ sĩ gửi đến “những thiên thần áo trắng và những đoàn quân kiên cường trong tâm dịch”, tuyển tập “Cây kèn và chiếc khẩu trang” còn là nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã khuất giữa đại dịch, trong đó có 42 văn nghệ sĩ mà nhiều gương mặt đã từng là những “tên tuổi" lớn góp phần làm nên diện mạo của văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh. Hơn thế, cuốn sách còn để nhắc nhớ những ngày đã qua, những ngày mà “trong khốn khó lúc gian nguy lòng người luôn rộng mở”, tình người luôn lắng đọng. Thành phố đã vượt qua cơn đau dài, còn những yêu thương ấy vẫn sẽ tiếp tục tồn tại và tỏa sáng trong cuộc sống hôm nay...